55 năm qua là một chặng đường đầy cam go, thử thách nhưng cũng đáng tự hào của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam khi đạt những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề để đất nước phát triển kinh tế - xã hội.

Khi bắt đầu thực hiện chương trình DS-KHHGĐ (năm 1961), tỷ lệ tăng dân số hằng năm của Việt Nam là 3,6%, nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, tỷ lệ này từng bước giảm xuống và hiện còn 1%/năm. Mức sinh của Việt Nam khi đó cũng rất cao, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49) có 6,4 con, đã giảm còn 2,9 con vào năm 2006 (đạt mức sinh thay thế) và được duy trì ổn định trong một thập kỷ qua. Nhờ những thành công trong việc hạ thấp tỷ lệ tăng dân số, giảm mức sinh, số người gia tăng hằng năm cũng giảm xuống và quy mô dân số nước ta hiện nay khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026.

Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% (năm 1979) xuống còn 25% (năm 2015). Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian đó, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 đến 64) tăng từ 53% lên 68,4%. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động, là nền tảng cơ hội cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm cũng mang đến các cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư y tế, giáo dục, phát triển. Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong 55 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng 33,3 tuổi từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73,3 (năm 2015), trong thời gian này thế giới tăng trung bình 23 tuổi.

Thành công của công tác dân số cũng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm tăng GDP. Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân. Khi quy mô dân số quá lớn, tất yếu GDP tính bình quân đầu người sẽ giảm. Theo tính toán, kết quả chương trình dân số chỉ riêng giai đoạn năm 1991-2010 đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2%/năm. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội.

Thành công của công tác DS-KHHGĐ cũng đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015 và Việt Nam cũng đã được lựa chọn là một trong những nước tham gia xây dựng hoạch định Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015 (SDGs), đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4). Hằng năm, Việt Nam giảm khoảng 900 nghìn phụ nữ không tham gia quá trình sinh đẻ, không có nguy cơ tử vong do thai sản. Các chỉ số tử vong bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi của Việt Nam đều giảm rõ rệt, như tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 42,3 phần nghìn (năm 1989) xuống còn 14,73 phần nghìn (năm 2015). Việc “tránh sinh” hàng chục triệu người trong những thập kỷ qua là một thành công và đóng góp rất lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thay đổi, công tác dân số cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới phát sinh. Điều đó đòi hỏi công tác dân số tập trung thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của MTTQ; các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác dân số. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp; bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ 21.

Tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thích ứng với thời kỳ già hóa dân số thông qua việc phát huy vai trò và tăng cường chăm sóc người cao tuổi; đồng thời can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số; tích cực tranh thủ viện trợ quốc tế cho lĩnh vực này.