Bệnh Basedow là bệnh thuộc bệnh lý tuyến giáp với nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh Graves, bệnh Parry, bệnh cường giáp tự miễn…

Bệnh xuất hiện do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hóc môn giáp cao trong máu gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa. Bệnh thường ảnh hưởng đến tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp lên gấp 2 lần hoặc nhiều hơn (bướu cổ), gây cường giáp (tăng năng tuyến giáp; tuyến giáp hoạt động quá mức), với các triệu chứng liên qua như tăng nhịp tim, yếu cơ, mất ngủ hoặc khó ngủ và tính tình dễ bị kích thích. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, gây ra lồi mắt và ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác bao gồm da, tim, tuần hoàn và thần kinh. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là độ tuổi 20-40, thường gặp nhiều ở nữ giới. Bệnh có yếu tố di truyền, tới 79% nguyên nhân mắc bệnh là do di truyền.

          Triệu chứng của bệnh Basedow

          Có 3 biểu hiện chính: Bướu giáp, hội chứng cường giáp và lồi mắt nhưng độ trầm trọng của mỗi biểu hiện khác nhau tùy từng bệnh nhân. Bệnh có khi xảy ra rất nhanh chỉ trong vòng vài tuần hay ít hơn nữa, nhưng thường tăng dần trong nhiều tháng thậm chí nhiều năm trước khi bệnh nhân thấy.

          Bướu giáp: Tuyến giáp thường lan tỏa tương đối đều, mềm hoặc chắc. Nghe tại bướu có thể phát hiện được tiếng thổi liên tục hay trội hơn ở thì tâm thu. Bướu giáp lớn đôi khi gây chèn ép các cơ quan lân cận. Khoảng 7,4% trường hợp không có bướu.

          Hội chứng cường giáp:Triệu chứng chính của Basedow do tăng sản xuất quá mức các hóc môn tuyến giáp. Bệnh nhân dễ nóng giận, nói nhiều; vận động nhiều hay mệt, run tay, yếu cơ và có thể teo cơ; tăng tiết mồ hôi tay…

          Bệnh mắt: Bệnh mắt có thể bắt đầu trước hoặc sau khi được chẩn đoán Basedow 6 tháng. Hiếm có trường hợp bệnh mắt Basedow diễn ra sau 1 thời gian dài điều trị. Bệnh do thâm nhiễm tế bào Lympho đi kèm với sụ phù nề của các mô, ở hốc mắt và sau nhãn cầu gây ra lồi mắt hay còn gọi là bệnh mắt Basedow. Mặc dù nhiều bệnh nhân chỉ thấy có đỏ mắt hoặc cộm mắt nhưng chỉ có dưới 5% có các biểu hiện nghiêm trọng kéo dài. Do vậy, bệnh nhân có các triệu chứng về mắt cần được thăm khám bởi các bác sĩ mắt và đồng thời cả bác sĩ nội tiết.

          Bệnh mắt gần như không có mối liên quan tới mức độ của triệu chứng cường giáp nhưng lại nguy hiểm hơn chứng lồi mắt vì nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dễ viêm loét gây nhiễm trùng mắt, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

          Bệnh mắt có thể lồi rất nhiều trên những bệnh nhân có bướu cổ nhỏ và ngược lại có thể lồi rất ít trên những bệnh nhân bướu cổ to. Lồi mắt thường xảy ra ở cả 2 mắt, đôi khi rõ rệt hơn ở một bên. Cũng có những bệnh nhân chỉ bị lồi một bên mắt nhưng rất hiếm gặp.

          Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

          Cơ chế sinh lý bệnh học của Basedow nằm ở hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ phá hủy những xâm nhập từ bên ngoài như vi rút, vi khuẩn. Tuy nhiên, ở một số người hệ miễn dịch lại sinh ra những kháng thể chống lại các cơ quan của chính mình, gây phá hủy hoặc kích thích hoạt động. Ở bệnh Basedow, các kháng thể bám vào bề mặt tế bào tuyến giáp làm tăng tiết hóc môn quá mức. Tương tự, điều này cũng có thể xảy ra ở bề mặt của các tế bào vùng sau nhãn cầu. Một vài giả thuyết cho rằng, bệnh Basedow có thể liên quan đến những sự kiện đau buồn như mất người thân, thất bại trong công việc (stress thần kinh)… gây kích thích bất thường tuyến giáp do rối loạn miễn dịch.

          Chẩn đoán bệnh Basedow

          Bệnh Basedow được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm hóc môn tuyến giáp (thyroxine-T4, triiodothyronine T3 và hóc môn kích thích tuyến giáp-TSH) trong máu. Đôi khi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể các bác sĩ có thể chỉ định thêm xạ hình tuyến giáp hoặc một vài xét nghiệm khác như TRAb.

          Điều trị bệnh Basedow

          Hiện nay có nhiều phương pháp và phương tiện để điều trị bệnh Basedow như dùng thuốc kháng giáp hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu dùng thuốc nhất thiết bệnh nhân phải tuân thủ chỉ định và theo dõi của thầy thuốc vì thuốc có thể kiểm soát và điều trị thành công nhưng hầu như bệnh nhân sẽ có nhược giáp sau điều trị. Nếu phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp triệu chứng nhược giáp sớm hơn so với điều trị bằng thuốc kháng giáp.

          Việc chọn lựa phương pháp nào điều trị hay phẫu thuật thì tùy thuộc kinh nghiệm của thầy thuốc, sự dung nạp và tuân thủ của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Vì khi thuốc không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì bệnh nhân cần chuyển sang điều trị phẫu thuật.

          Để phòng tiến triển bệnh, bệnh nhân cường giáp nên kiểm tra xét nghiệm chức năng tuyến giáp một năm một lần. Khi có triệu chứng nhược giáp, bệnh nhân cần uống thuốc hóc môn hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.

          Do bệnh có yếu tố di truyền nên người thân trong gia đình của bệnh nhân cần đi khám, xét nghiệm để phát hiện các vấn đề về bệnh lý tuyến giáp.