Khi xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và làm đẹp càng được người dân quan tâm. Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thị trường có hơn 10.000 dòng sản phẩm chức năng đang được lưu hành. Sự phát triển mạnh mẽ của dòng thị trường này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cấp quản lý.
Hình minh họa |
Thực phẩm chức năng (TPCN) là sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc nên còn gọi là thực phẩm - thuốc. Điều này có nghĩa TPCN là loại thực phẩm dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không cần có sự kê đơn của thầy thuốc. Nhưng mục đích dùng không phải vì dinh dưỡng thông thường mà vì tác dụng hỗ trợ chức năng nào đó cho cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tật.
Hiện nay, trên thị trường, TPCN gồm có 3 loại chính: Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh và thực phẩm tăng cường miễn dịch. Theo thống kê, trong 10.000 sản phẩm chức năng có mặt trên thị trường cả nước thì 70% là hàng nhập ngoại, ngoài ra, trong 30% sản phẩm nội địa thì lại sử dụng tới 80% nguyên liệu nhập.
Trong vai một người tiêu dùng cần tìm mua thực phẩm bổ sung vi chất để làm đẹp, tôi được một chủ hiệu thuốc tại TP Ninh Bình giới thiệu 3 loại Collagen của Mỹ, Hàn Quốc và Australia. Đó là chưa kể tới hàng chục nhãn hiệu khác trên kệ thuốc mà cô nhân viên chưa có thời gian để giới thiệu. Thế nhưng, giá các mặt hàng này không hề rẻ. Tính sơ sơ, nếu muốn làm đẹp và duy trì vẻ đẹp, tôi phải bỏ ra không dưới 3 triệu đồng - một con số không hề nhỏ so với số tiền lương của tôi cũng như mặt bằng chung về mức sống của người dân.
Có thể thấy, chưa bao giờ việc mua bán các loại TPCN lại đơn giản và dễ dàng như hiện nay. Người ta có thể tìm mua sản phẩm ở bất cứ đâu như: hiệu thuốc, chợ, trên mạng xã hội. Đủ các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của những thượng đế khó tính nhất như: hỗ trợ sinh lý, tiêu hóa, tăng cường thể trạng, hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính... Đặc biệt, dòng sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho người già và trẻ em luôn được các nhà cung cấp chú trọng.
Chị N.P.T cho biết: Trước đây, tôi rất hay mua sản phẩm glucosamin và các loại nhân sâm, cao linh chi của Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng và tìm hiểu tôi cảm thấy mất niềm tin bởi những sản phẩm này bày bán tràn lan ở trên mạng xã hội, các cửa hàng bán hàng xách tay, hiệu thuốc và cả ở những nơi không liên quan gì đến kinh doanh thuốc như những người bán quần áo, những chủ hàng kinh doanh tạp hóa với giá cả và xuất xứ khác nhau...Có lần sản phẩm cao Linh chi tôi mua từ một hiệu thuốc của người quen ở thành phố Ninh Bình sau 2 tháng mở ra sử dụng đã bị mốc trắng.
Thị trường TPCN khó kiểm soát không chỉ bởi chất lượng mà còn ở khâu phân phối bởi hiện nay người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ việc mua bán trực tuyến đã trở nên quen thuộc. Trên một trang facebook bán hàng ở thành phố Ninh Bình đã quảng cáo “Sản phẩm thần thánh hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho trẻ có xuất xứ từ Đức đã về đến lần thứ 4 trong tháng mà vẫn cháy hàng. Chị em đặt hàng thì phải nhanh chân đến lấy, nếu đến muộn hết hàng, em không chịu trách nhiệm”.
Không những thế trang facebook này còn mua bán rất nhiều các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng khác mặc dù không có cấp phép của cơ quan chuyên môn. Thậm chí sản phẩm vacxin cho trẻ em cũng được quảng cáo là sản phẩm chức năng và mua bán rầm rộ. Chính sự giao bán vừa mơ hồ, vừa thúc giục khiến người tiêu dùng dễ tin và tò mò.
Tin vào lời quảng cáo trên facebook, chị T đã đặt mua sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho con. Tuy nhiên con chị đã dùng sản phẩm này 2 tháng mà vẫn liên tục ốm. Chị lo lắng đến hỏi thì được người bán hàng trả lời là phải kiên trì cho trẻ uống, sản phẩm có thể sử dụng liên tục trong cả năm.
Có thể khẳng định, tác dụng của TPCN là có cơ sở và đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và chứng minh. Tuy nhiên, do lợi nhuận mà các mặt hàng này đem lại là rất lớn, nên tình trạng làm giả các sản phẩm TPCN có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24-12-2014 quy định về quản lý TPCN kèm theo Thông tư số 19/2012/TT-BYT: Hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Điều kiện để sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường Việt Nam phải được chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý kinh doanh mặt hàng này đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý tại địa phương