Mặc dù đã được thông tin, cảnh báo nhiều về những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở những quán vặt vỉa hè, hàng rong trước cổng trường học, nhưng nhiều phụ huynh và học sinh vẫn thờ ơ với sức khỏe của con em và bản thân mình. Từ đó câu chuyện làm thế nào để đảm bảo VSATTP cho những “thượng đế nhí” dường như vẫn chưa tìm được lời giải.
Xem hình

Dạo một vòng qua các cổng trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình vào đầu giờ học và lúc tan trường, chúng tôi nhận thấy rất đông học sinh vây quanh những quán hàng rong ở khu vực cổng trường. Những mặt hàng phục vụ các em gồm đủ các loại nước uống, sữa chua, kem, kẹo mút, bim bim, xúc xích và nhiều loại đồ chơi bằng nhựa... có màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng bắt mắt. Ngoài các loại bánh kẹo có nhãn hiệu của các thương hiệu quen thuộc còn có rất nhiều loại được đóng gói không có tên đơn vị sản xuất và hạn sử dụng, nhiều loại bánh kẹo còn kèm theo khuyến mãi là các đồ chơi để tăng thêm sức hấp dẫn. Một số loại bánh, kẹo, tuy có hình thức đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ, bao bì ghi chữ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... nhưng chẳng ai biết đó là sản phẩm gì, thành phần ra sao, được các em tự đặt bằng những cái tên khác nhau, dựa theo mùi vị như kim chi, thịt bò, ô mai, xá xíu... Bên cạnh đó còn nhiều loại quà vặt được người bán tự làm, đựng trong những chiếc hộp, thùng của xe đẩy không có nắp đậy, nhìn không đảm bảo vệ sinh như xúc xích, xôi các loại, xiên rán, bánh kem, bánh mì...

Để có một quán bán rong tại cổng trường rất đơn giản, chỉ cần một chiếc xe máy, xe đạp hoặc xe đẩy tự chế là có thể bày bán được khá nhiều mặt hàng. Các cửa hàng di động này có thể đi đến bất cứ địa điểm trường học nào để phục vụ đầy đủ nhu cầu của các “thượng đế nhí”. Theo tìm hiểu, một số món ăn được nhiều học sinh yêu thích là các món rán, bánh mì, xôi, nước uống có ga... Đứng cạnh một chị bán xúc xích rán tại trường tiểu học Thanh Bình, chúng tôi nhận thấy, chỉ trong hơn chục phút cuối giờ đón buổi chiều mà có đến hàng chục trẻ em được mẹ mua cho xúc xích, xiên rán. Hỏi chị mua những mặt hàng này ở đâu, chị cho biết mua ở các cửa hàng thực phẩm, có nhãn mác hẳn hoi. Nhưng nhìn qua bao bì nhận thấy, vỏ túi chỉ có màu sắc sặc sỡ của thực phẩm, còn nhãn hàng, tên cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… thì không có. Thấy tôi tò mò, chị bán hàng hậm hực nhấm nhẳng – Tôi bán hàng ở đây đã vài năm, bọn trẻ có đứa ngày nào chả ăn, có đứa nào bị sao đâu … Còn khi được hỏi, nhiều phụ huynh cho rằng, dù biết những thực phẩm bày bán ở cổng trường không đảm bảo vệ sinh nhưng chiều theo ý thích của con nên vẫn mua, hi vọng nếu ăn ít sẽ không sao?

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là ở các khu vực cổng trường đã được các ngành chức năng và nhà trường liên tục cảnh báo. Nhiều trường còn có chủ trương cấm học sinh ăn quà vặt, nhưng việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề rất khó. Nguyên nhân chủ yếu là do các trường học đều nằm sát trong các khu dân cư, nhiều gia đình tận dụng lợi thế đó để mở các quán nhỏ để kinh doanh, phục vụ nhu cầu của học sinh. Cùng với đó, các xe hàng bán rong, di động “thoắt ẩn, thoắt hiện” chiếm khá đông, di chuyển từ trường nọ sang trường kia nên không thể quản lý. Quan trọng hơn là nhiều phụ huynh có tâm lý chiều con, hoặc bận rộn nên cho con tiền ăn sáng, tiền ăn quà vặt, từ đó vô tình tiếp tay cho những hàng quán trước cổng trường tồn tại. Một phụ huynh cho biết, do bận công việc nên chị không thể chuẩn bị bữa sáng cho con, nên thường cho con tiền để tự đi ăn. Cũng nhắc nhở con chọn những quán ăn tại gia đình để đảm bảo vệ sinh nhưng đúng là không thể quản lý con ăn món gì, ở đâu?

 

Trước vấn nạn mất VSATTP như hiện nay, Chi cục cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhưng việc kiểm tra hiện mới chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm lớn. Nếu có kiểm tra ở các trường học thì chỉ tập trung vào các bếp ăn, nhà ăn, căng tin. Còn những quán, gánh hàng rong trước các cổng trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ không đủ mạnh để có thể theo sát và nắm rõ từng khu vực. Hầu hết các hàng quán này, khi cơ quan chức năng kiểm tra chỉ bị tịch thu, nhắc nhở và xử phạt hành chính, mức độ chưa đủ sức răn đe, do đó, sau vài ngày tình trạng này lại tái diễn.

Thiết nghĩ, để dẹp bỏ dứt điểm tình trạng quán hàng rong vỉa hè cần có sự tham gia, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trong đó, trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh không mua, sử dụng những sản phẩm, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Các cơ quan quản lý, nhất là đơn vị cơ sở xã, phường, thị trấn nơi có trường học cần hành động cương quyết hơn, thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm về VSATTP và cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng. Cùng với đó, các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về VSATTP, cần thiết hơn là đưa vào nội quy, quy định cấm học sinh mua đồ ăn trước cổng trường… từ đó mới giảm dần và hạn chế các gánh hàng rong, quán vỉa hè không đảm bảo VSATTP.

Hạnh Chi