Chiều 22/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do đồng chí Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng Đoàn cùng đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến hết tháng 10/2016, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là gần 800 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ 83,8%. Tổng số đơn vị ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 31 đơn vị. Liên ngành Y tế - BHXH đã phối hợp trong việc mở rộng và tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại y tế cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia BHYT. So với 9 tháng đầu năm 2015, tổng chi phí khám, chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2016 tỉnh Ninh Bình tăng khoảng 39%.

 Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng y tế hiện đại, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được nâng lên, Ninh Bình cũng là tỉnh được thừa hưởng hầu hết các đề án, dự án về tăng cường năng lực chuyên môn của Bộ Y tế như: Đề án 1816, đề án bệnh viện tỉnh, dự án Norred,… nên đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm đào tạo, tiếp cận những kỹ thuật mới, nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư, nhiều kỹ thuật mới được chuyển giao và thực hiện bền vững, giúp cho người bệnh tại Ninh Bình và một số tỉnh lân cận được thừa hưởng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại tại địa phương.

Ninh Bình cũng kiến nghị, đề xuất một số vấn đề cụ thể như: nâng mức hỗ trợ đối với đối tượng học sinh sinh viên tham gia BHYT thêm 20%, giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khi ban hành các văn bản hướng dẫn cần có sự thống nhất liên ngành, thống nhất giữa các cục, vụ đảm bảo văn bản có tính khả thi, không gây khó khăn cho cơ sở thực hiện, và kiến nghị nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định BHYT…

          Tại buổi làm việc, các đại biểu phát biểu nêu lên và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, sự bất cập của hệ thống văn bản, chính sách quản lý; những vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; việc thanh, kiểm tra thực hiện KCB tại các cơ sở y tế; vấn đề bội chi quỹ BHYT; việc thành lập Hội đồng quản lý quỹ tại tỉnh…

          Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, giữa 2 ngành BHXH và Y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm qua đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ, hài hoà; tuy nhiên, do Luật BHYT, Luật KCB và một số nghị định, thông tư còn chồng chéo, chưa thống nhất nên trong quá trình triển khai thực hiện còn nảy sinh những vướng mắc, bất cập, đòi hỏi sự quan tâm phối hợp để giải quyết hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 3 cơ quan (cơ quan quản lý quỹ BHYT, cơ quan cung ứng dịch vụ KCB và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này) và người bệnh để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng KCB. Cùng với đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện mua thẻ BHYT để chăm sóc sức khoẻ cho mình thay vì nhận sự hỗ trợ, đầu tư mua thẻ BHYT từ ngân sách như hiện nay. Thêm vào đó, quan tâm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác giám định BHYT…

          Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ghi nhận những kết quả mà ngành Y tế Ninh Bình đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình trong việc hỗ trợ các đối tượng mua thẻ BHYT, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn. Đồng chí Thứ trưởng cũng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các cơ sở KCB, của ngành Y tế và tỉnh Ninh Bình về những bất cập của Luật KCB, Luật BHYT, các văn bản hướng dẫn, những thông tư đang thực hiện; trong đó có việc nâng mức hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên tham gia BHYT thêm 20% là hợp lý.

Đồng chí Thứ trưởng đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí và tuyên truyền, vận động nhằm phát triển mạnh BHYT tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Các cơ sở y tế tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ yêu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân; hạn chế tình trạng chuyển tuyến và bội chi quỹ BHYT…

Trước đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đếncó buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Hoa Lư và bệnh viện Đa khoa tỉnh nhằm tìm hiểu trực tiếp và đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực thi luật BHYT sửa đổi tại đơn vị,

Tác giả: Thu Minh