Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội Xuân 2017 là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Xem hình

Cùng với đó, thời tiết lúc giao mùa giữa Đông sang Xuân thường mưa phùn, nồm ẩm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, bảo quản, vận chuyển các loại lương thực, thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống. Điều đó đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP), hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình vui Xuân, đón Tết.

          Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân quan tâm, phối hợp thực hiện tốt. Các ngành Y tế, Nông nghiệp &PTNT, Công thương và UBND các cấp đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tới chính quyền các cấp, các nhà quản lý, cán bộ làm công tác chuyên môn, người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

          Trong năm 2016, các cấp, các ngành, đơn vị đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, đánh giá xác nhận kiến thức về ATTP cho đối tượng quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP từ tỉnh tới cơ sở; xây dựng và phát sóng hàng trăm chuyên mục, phóng sự truyền hình, bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành hàng chục nghìn tờ gấp, tờ rơi, đĩa phát thanh trên hệ thống truyền thanh 3 cấp và chăng treo nhiều băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền đảm bảo ATTP… Kết quả năm 2016, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào.

          Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm được các đơn vị phối hợp triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP. Chi cục ATVSTP tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo quy định của pháp luật. 

          Theo đó, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành vào các đợt cao điểm, như: Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm; Tháng hành động vì ATTP; Tết Trung thu; nhân kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước... Cùng với đó tổ chức các đợt thanh tra theo chuyên đề thuộc các lĩnh vực ngành phụ trách, như: Bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp; bếp ăn trường học; khách sạn, nhà hàng, cửa hàng; nước uống đóng bình, đóng chai; thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm; thực phẩm chức năng...

          Năm 2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tuyến tỉnh và đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện đã tiến hành kiểm tra trên 1 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, nơi sản xuất, chế biến thực phẩm… Qua đó phát hiện và xử lý các lỗi vi phạm bằng hình thức phạt tiền gần 500 cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 1,3 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Cùng với xử phạt hành chính, các đoàn kiểm tra đã kiên quyết xử lý, tịch thu và buộc gần 200 cơ sở sản xuất phải tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo chất lượng với gần 150 loại sản phẩm thực phẩm; đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm khẩn trương thực hiện nâng cấp, cải tạo các điều kiện để đảm bảo VSATTP theo quy định.

          Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống thuộc diện quản lý của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ do xã, phường, thị trấn quản lý cũng lên tới hàng chục nghìn, gồm hộ kinh doanh thức ăn đường phố, các điểm bán hàng ăn sáng, hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ...; trong đó tập trung nhiều ở thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn.

          Để đảm bảo chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển và cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP với mục tiêu tăng cường kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

          Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 01 ngày 4-1-2017 của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, từ ngày 5-1-2017 đến hết 25-3-2017, trên phạm vi toàn tỉnh sẽ triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về ATTP. Theo đó, các đơn vị liên quan như Y tế, Công thương, Nông nghiệp&PTNT, Công an, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, có yếu tố nguy cơ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đặc biệt là các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tập trung kiểm tra các sản phẩm từ thịt, đặc biệt là sản phẩm giò, chả, nem, mọc… (thường hay sử dụng hàn the trong sản xuất và là sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong những ngày giáp Tết) và các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, các loại bánh, mứt, kẹo… 

          Cùng với đó huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, phấn đấu không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân vui Xuân, đón Tết.