Sau gần 8 năm triển khai Đề án 52 của Chính phủ về “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển”, công tác dân số -KHHGĐ ở các xã vùng biển của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dân số vùng biển được cải thiện, quy mô dân số ổn định, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương.

Theo Quyết định 1173/QĐ-UBND ngày 05-10-2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Đề án kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” tỉnh Ninh Bình với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ “Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” giai đoạn 2009-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý Đề án tỉnh đã tổ chức hội thảo với UBND, các ban, ngành của huyện Kim Sơn (huyện được chọn triển khai Đề án) và UBND các xã trọng điểm để thống nhất các hoạt động của Đề án. Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn thành lập Đội dịch vụ KHHGĐ lưu động gồm 1 bác sĩ và 9 thành viên nhằm tổ chức các hoạt động điều tra khảo sát về nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dân số vùng biển; khảo sát nhu cầu của phụ nữ vùng biển, ven biển trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai về nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Đào tạo cán bộ chuyên trách và cộng tác viên. Hỗ trợ bà mẹ mang thai có nguy cơ cao phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của trẻ em. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền…

            Qua đó, tỉnh đã có kế hoạch đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ việc thực hiện các dịch vụ KHHGĐ và xây dựng những mô hình thiết thực cho công tác dân số vùng ven biển; tổ chức tập huấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến huyện. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nội dung Đề án.

            Qua thực hiện Đề án 52, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em các và các dịch vụ KHHGĐ đến cơ sở kịp thời. Các nhóm đối tượng, nhất là các bà mẹ trẻ em được chăm sóc y tế cải thiện sức khỏe, phòng chống lây nhiễm HIV và các tệ nạn xã hội khác. Giảm số trẻ sơ sinh dị tật, dị dạng, giảm gánh nặng về chi phí cho xã hội để chăm sóc người tàn tật. Việc thu thập thông tin hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư trong đề án cũng góp phần quản lý người lao động trên biển và tăng cơ hội giảm sinh cho người dân vùng biển. Trong gần 8 năm triển khai Đề án, toàn tỉnh đã có trên 75 nghìn lượt người được tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/KHHGĐ; trên 15 nghìn bà mẹ mang thai được khám; trên 53 nghìn phụ nữ được khám phụ khoa; trên 4.500 trẻ em được khám sức khỏe; 18 người được cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em, KHHGĐ…

            Chất lượng dân số khi sinh tại cùng biển được cải thiện rõ rệt. Khoảng 24 nghìn bà mẹ mang thai được tư vấn về các nguy cơ cao; trên 4.300 bà mẹ mang thai có các nguy cơ cao (tiền sử có con dị tật, dị dạng, chất độc da cam) được lập danh sách quản lý; trên 3.800 bà mẹ mang thai có nguy cơ cao được khám; 580 gói đẻ sạch được cấp cho các bà mẹ mang thai; trên 3.800 bà mẹ mang thai được cấp viên sắt. Đặc biệt, các đối tượng nam giới khu vực dân cư vùng biển đã tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Không có người sinh con thứ 3 trở lên”, “Nam nông dân với 6 chuẩn mực”, câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”… của các Hội, đoàn thể. Hàng năm có hàng trăm buổi sinh hoạt nhóm, CLB, thu hút trên 2 nghìn người tham gia. Đến nay, số cặp vợ chộng thuộc dân số vùng biển áp dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 76%.