Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả về kinh tế và xã hội. Nền kinh tết tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khẳng định được bước đi đúng đắn của Đảng và Chính Phủ. Tuy nhiên cũng có mặt trái của nó. Trong Y tế cũng vậy, nhà nước không có khả năng để bao cấp toàn bộ và cũng không có khả năng để lo cuộc sống của toàn bộ cho người thầy thuốc thì anh em thầy thuốc cũng phải làm tư, cũng phải lo cho cuộc sống riêng của mình. Đó là điều tất yếu.
Xem hình

  Chúng ta cần phải phân tích những điểm khác biệt trong môi trường làm việc thời bao cấp và thời kinh tế thị trường. Trong thời bao cấp, người thầy thuốc thực hành nghề nghiệp chỉ có mục đích là cứu chữa người bệnh; tiêu chí duy nhất là đánh giá đạo đức của người thầy thuốc là sự hy sinh vì sức khỏe và tính mạng người bệnh. Người thầy thuốc phải làm việc như nghề khác song lại phải thường trực cả ngày lễ, ngày tết. Thậm chí đêm giao thừa, thời khắc mà người người đều quây quần sum họp đoàn tụ bên nhau thì cán bộ y tế phải bên cạnh người bệnh, phải bỏ gia đình con cái, bố mẹ và người thâm để đến với sự lây nhiễm, bệnh tật, để chăm sóc cứu chữa người bệnh. Không được nghỉ bù trực, phải làm việc gấp đôi, chế độ chính sách của nhà nước chưa được nhận đủ, đó là sự “hy sinh”. Tất cả những người thầy thuốc lúc bấy giờ đều không phải lo đến cuộc sống của mình vì đã có nhà nước bao cấp cho họ. Nhưng trong thời thị trường thì khác, bên cạnh việc chăm lo sức khỏe và cứu chữa người bệnh, người thầy thuốc phải lo cả cuộc sống của chính bản thân họ ta gọi đó là “mưu sinh”. Bữa ăn hàng ngày, nhà cửa, phương tiện đi lại, học phí cho con, trả tiền chữa bệnh khi ốm đau v.v…Vì vậy trong quá trình hiện nay thày thuốc cần đặt ra và giải quyết mối quan hệ giữa sự quan tâm cứu chữa người bệnh với vấn đề kiếm sống, mưu sinh. Đó là điểm nổi bật nhất, khác biệt lớn nhất về y đức của hai thời kỳ.

         Chính do chúng ta chậm phân biệt mưu sinh và hy sinh, cũng như xác định các đặc trưng của công tác y tế trong cơ chế thị trường nên chúng ta chưa hướng dẫn cho thày thuốc giải quyết mối quan hệ giữa mưu sinh và hy sinh. Do đó, một bộ phận thày thuốc đã bị suy thoái về đạo đức trước sự thay đổi này họ đặt sự mưu sinh lên trên sức khỏe và tính mạng người bệnh. Vì thế, so với thời bao cấp và thời kỳ chiến tranh, y đức của thày thuốc ngày nay dễ bị xuống cấp và đã có một bộ phận xuống cấp.

         Trước hết, có thể nói ngành Y là ngành dễ xảy ra những tai nạn, kỹ thuật càng hiện đại bao nhiêu càng dễ xảy ra tai nạn bấy nhiêu. Chính vì vậy, trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, người ta đã tổng kết nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là do tai nạn y khoa, so với những nguyên nhân gây tử vong khác như tai nạn, đuối nước... Vì sao nghề y lại dễ có những tai nạn? Thứ nhất cấu trúc của cơ thể con người rất hoàn chỉnh và là bộ máy phức tạp nhất trong các loài sinh vật. Thứ hai cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết bệnh sinh và bệnh căn của tất cả các loại bệnh, thế nên ngành Y vẫn dùng từ “chẩn đoán”, tức trong đó có một phần là đoán chứ không phải đã xác định được hoàn toàn, mặc dù các phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Thứ ba, những thao tác về y học là những thao tác tinh vi, cứu sinh mạng người bệnh trong môi trường hết sức nhỏ bé như lòng mạch chỉ 2-3mm. Vì thế nghề y là nghề rất dễ gây ra sai sót. Chính vì vậy, câu đầu tiên ông Hipocrates đã dạy mọi người thầy thuốc là không được gây hại cho người bệnh, để thây thuốc luôn luôn cảnh giác, đề phòng và hết sức cẩn thận. Trước đây cũng có sai sót, nhưng nguyên nhân gây ra sai sót cũng có điểm khác với bây giờ. Ví dụ như tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc cao hơn, cẩn thận hơn; người thầy thuốc sát sao với người bệnh hơn... Trước đây trong thực hành y học các tai nạn vẫn xảy ra, nhưng khi giải quyết những tai nạn thì biểu hiện và diễn biến trong mối quan hệ giữa người bệnh hay người nhà người bệnh và thầy thuốc cũng có nhiều điểm khác với bây giờ. Thay cho sự bình tĩnh trước đây là những thái độ nóng vội hiện nay, thay cho cử chỉ ôn tồn là những cử chỉ lăng nhục hay ẩu đả, thậm chí đánh đập người thầy thuốc... Hiện tượng này xảy ra có nhiều nguyên nhân. Có phần do sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung (một bộ phận người bệnh và người nhà người bệnh chưa có có sự ứng xử một cách văn hóa).

Nhưng như các bậc tiền nhân đã dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” hãy trách mình trước, phải thấy rằng sự xuống cấp của một bộ phận thầy thuốc đã làm cho người bệnh và người nhà người bệnh thiếu niềm tin. Từ sự thiếu niềm tin dẫn đến “vơ đũa cả nắm”, dễ quy kết mọi tai biến đều là do sự tắc trách của thầy thuốc. Vì vậy khi xảy ra những tai nạn, dù cho tai nạn ấy không phải là do thầy thuốc thiếu trách nhiệm, thì người bệnh hay người nhà người bệnh đều quy là do thầy thuốc thiếu y đức. Nhưng sự thật không phải như vậy, có một số tai nạn y khoa là bất khả kháng. Điều quy kết này dẫn đến nhiều cán bộ y tế lo lắng về sự an toàn trong nghề nghiệp và sinh ra nản chí, không yên tâm với công việc.

         Suy thoái đạo đức chỉ một bộ phận thôi chứ không phải là tất cả thầy thuốc, tuy vậy “con sâu làm rầu nồi canh”. Xã hội nhìn vào bộ phận ấy đế đánh giá ngành Y tế với một con mắt khác và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với ngành Y tế. Nói rằng trong ngành Y tế hoàn toàn không có sự sách nhiễu là không đúng. Sách nhiễu ở đây có thế biểu hiện dưới nhiều biểu hiện: gây khó khăn, gây phiền hà (chờ đợi lâu, thủ tục hành chính phức tạp, máy móc....), cho đến việc gây ra những vấn đề thiệt thòi về mặt kinh tế đối với người bệnh. Thí dụ như một số cán bộ y tế lạm dụng về thuốc men, lạm dụng về mặt kỹ thuật để thu được nhiều tiền; quát mắng người bệnh; có thái độ vô cảm. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn nặng về phía kêu gọi. Theo tôi trước tiên cần phải khẳng định: Nghề y là cũng một nghề có mục đích kiếm sống. Thực tế bây giờ anh em thầy thuốc cũng làm việc với mục đích kiếm sống, đừng phê phán người ta, đừng chê trách người ta rằng như vậy là có động cơ sai. Nhưng điều thứ hai rất quan trọng là làm cho anh em thầy thuốc hiểu rằng muốn hành nghề và kiếm sống, cái quan trọng anh phải đặt tính mạng sức khỏe người bệnh lên trên quyền lợi của cá nhân mình. Nên nói để cho anh em thầy thuốc hiểu làm nghề y không thể trở thành tỉ phú và đừng chạy theo làm giàu trong nghề y. Được biết trên thế giới chưa có ai trở thành tỉ phú nhờ nghề y. Nhưng những nhà tỉ phú luôn có bệnh viện tư, đó là khi họ đã trở thành tỉ phú rồi và họ muốn thể hiện lòng nhân đạo. Phải giáo dục cho đội ngũ y tế hiểu rằng anh phải mưu sinh, kiếm sống. Nhưng nếu anh lấy động cơ làm giàu, thành tỉ phú trong quá trình hoạt động nghề y thì có thể sẽ gặp gặp sai sót. Vì động cơ kiếm tiền, anh sẽ vơ vét tiền của người bệnh, tư duy khoa học của anh sẽ lẫn lộn và cuối cùng có thế làm cho anh phạm sai lầm. 

         Vậy nhà nước có nên hoàn toàn để thầy thuốc tự mưu sinh không? Theo tôi, vai trò của Nhà nước trong vấn đề điều chỉnh thu nhập của thầy thuốc là hết sức quan trọng. Nếu để người thầy thuốc tự mưu sinh hoàn toàn sẽ dẫn đến chênh lệch rất lớn ngay trong bản thân đội ngũ thầy thuốc. Nói về thu nhập, thì thầy thuốc ở những thành phố lớn bao giờ thu nhập cũng cao. Vậy thì những người công tác ở miền núi, vùng khó khăn sẽ không yên tâm công tác. Nếu nhà nước không tham gia điều chỉnh, điều hòa thu nhập (là thu nhập chứ không phải đồng lương) thì có nguy cơ lâu dài đó là chính cán bộ y tế sẽ trở thành lực cản của mọi cải cách y tế trong tương lai.

       Cuối cùng muốn nâng cao y đức cần có một điều vô cùng quan trọng là nâng cao tính chuyên nghiệp y học. Việc mất niềm tin của người dân đối với ngành Y, ngoài thái độ ứng xử thì một phần rất quan trọng đó là tính thiếu chuyên nghiệp trong thực hành y học. Đừng cho là cứ cười nói, vồn vã với người bệnh thế là đạo đức tốt. Người thầy thuốc phải có đủ trình độ và năng lực để cứu sống người bệnh. Nếu không thì đứng trước người bệnh đang hấp hối, người thầy thuốc cũng lăn ra khóc như người nhà thì không những chẳng cứu được người bệnh đó mà còn nhiều người bệnh khác đang cần sự cứu giúp của mình. Hiện nay, y đức đang bị hiểu theo một chiều theo kiểu hình thức hóa. Chỉ có nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành y học, lấy chất lượng là tối thượng thì y đức mới được vững chãi và bền lâu./.

TTND, BS CKII Vũ Văn Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế