Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, hơn 50 năm qua, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh không ngừng đổi mới công tác quản lý, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sỹ, đầu tư trang thiết bị, kết hợp phương pháp vật lý trị liệu với phục hồi chức năng (PHCN) nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và PHCN cho người bệnh. Qua đó góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.
Xem hình

Bác sỹ chuyên khoa II Trần Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Năm 1966, Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh được thành lập với tên gọi Bệnh xá điều dưỡng cán bộ. Qua hơn 50 năm xây dựng, phát triển, đến nay, Bệnh viện được giao 100 giường bệnh theo kế hoạch, với 74 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên. Với chức năng điều dưỡng cho những người có công với cách mạng và phục hồi chức năng cho những người bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Là Bệnh viện đầu ngành của tỉnh về PHCN, trung bình mỗi năm đơn vị khám, điều trị 1.800-2.200 lượt người, đạt trên 105% kế hoạch, trong đó điều trị nội trú gần 1.400 lượt bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 90%.

          Để đáp ứng yêu cầu khám, điều trị, Bệnh viện luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, viên chức. Cùng với đó, Bệnh viện đẩy mạnh đầu tư, bổ sung nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế hiện đại, phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh, PHCN cho cán bộ và nhân dân trong từng thời kỳ.

          Từ năm 2000 đến nay, Bệnh viện từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật, triển khai các kỹ thuật tiên tiến như siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện trường cao áp, điện xung, điện phân, máy kéo giãn tác động cột sống, lasez điều trị.... Từ chỗ Bệnh viện chỉ chăm sóc người bệnh suy nhược cơ thể sau hệ điều trị cấp tính, nay đã điều trị hiệu quả nhóm bệnh như liệt nửa người do các nguyên nhân, tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống, liệt tủy, cứng khớp do các nguyên nhân, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, xơ hóa cơ delta. Đặc biệt, những năm gần đây, Bệnh viện đã triển khai nhóm kỹ thuật: Hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu cho nhóm bệnh trẻ tự kỷ, trẻ bại não và nhóm bệnh tai biến mạch máu não có thay đổi về tâm lý, có khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.

          Bên cạnh việc triển khai nhiều kỹ thuật mới trong khám, điều trị, phục hồi chức năng, Bệnh viện còn quan tâm đến việc cải tiến, nâng cao chất lượng các hoạt động khám, chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh như đổi mới quy trình khám, chữa bệnh; phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện.

Bác sỹ Đinh Thị Hồng Huế, Phó khoa PHCN, Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh cho biết: Bệnh nhân đến với Bệnh viện với đa dạng bệnh. Song hiệu quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề PHCN sớm, nhất là những bệnh nhân chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, chấn thương tủy sống..., sau khi qua giai đoạn nguy hiểm phải đối mặt với nhiều biến chứng. Nếu vì lý do nào đó người bệnh không được tiếp cận PHCN sớm thì hậu quả để lại rất nặng nề và ngược lại, tùy từng mức độ tổn thương khác nhau, nếu được hướng dẫn, tập luyện sớm thì khả năng phục hồi của người bệnh sẽ đạt tối đa. Để giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng, chúng tôi đã lựa chọn các phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thích hợp, kết hợp với sử dụng thuốc hợp lý và dinh dưỡng tích cực trong điều dưỡng –PHCN nhằm đem lại kết quả cao cho người bệnh.

          Công tác PHCN dựa vào cộng đồng là một trong những nhiệm vụ Bệnh viện thực hiện khá tốt nhiều năm qua bằng việc cử các bác sỹ, kỹ thuật viên tham gia giảng dạy các lớp tập huấn, PHCN dựa vào cộng đồng tại các xã, phường; tổ chức khám, hướng dẫn cho người khuyết tật tập luyện, cấp phát xe lăn, dụng cụ trợ giúp như nẹp, nạng, dụng cụ chỉnh hình và tư vấn, chuyển giao KHKT tập luyện PHCN, chăm sóc, phục vụ người khuyết tật tại nhà cho bản thân và thân nhân người khuyết tật về vận động... Bệnh viện duy trì thực hiện các nội dung dự án “Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình PHCN cho người khuyết tật, chương trình mục tiêu Quốc gia y tế”. Theo đó, đã có trên 4 nghìn người khuyết tật được tham gia các chương trình, dự án. Từ năm 1999 đến nay, Bệnh viện cùng với các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố, các Trạm y tế xã, phường hình thành mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng, từng bước giúp người khuyết tật hòa nhập và tái hòa nhập với cộng đồng.