Khi tuổi càng cao, sức đề kháng của cơ thể cũng sẽ giảm đi cùng với những thay đổi của cơ thể khiến cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh như viêm xương khớp, mất ngủ, táo bón, viêm mũi dị ứng... Vậy việc dùng thuốc trong các bệnh này như thế nào cho an toàn?
Luyện tập thể dục phù hợp giúp nâng cao sức khỏe và phòng tránh bệnh tật. |
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh hay gặp ở người cao tuổi với các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi và ngứa mũi từ nhẹ đến trung bình, thường được điều trị với thuốc kháng histamin và thuốc làm thông mũi. Cromolyn sodium là một chất ổn định tế bào mast nhằm ngăn ngừa sự phóng thích của histamin và chất trung gian khác gây viêm mũi dị ứng được dùng dưới dạng thuốc xịt cho tác dụng tại chỗ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm hắt hơi, đau nhức mũi và nóng rát.
Loratadine là một kháng histamin đường uống thế hệ thứ hai, được dùng để làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm (các triệu chứng hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi...) ở đối tượng này. Thuốc không qua hoàng rào máu não nên không gây ngủ. Không giống như các thuốc an thần, thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên, loratadine không kích hoạt các thụ thể alpha-adrenergic hoặc chặn các thụ thể cholinergic, vì vậy, thuốc không gây khô miệng, khô mắt, bí tiểu, táo bón. Đây là một trong những lựa chọn tốt cho điều trị viêm mũi dị ứng ở người lớn tuổi.
Táo bón
Táo bón là một vấn đề thường gặp ở người già. Mặc dù nó thường được coi là một vấn đề khá lành tính, nhưng nếu không được giải quyết thỏa đáng có thể dẫn đến tắc nghẽn ruột và phải nhập viện. Một số nguyên nhân gây táo bón là do ăn ít chất xơ, dùng thuốc (thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, thuốc kháng cholinergic, canxi hoặc sắt). Phương pháp tiếp cận chung để cải thiện mà không dùng thuốc bao gồm ăn nhiều chất xơ, uống nước đầy đủ và tập thể dục. Trái cây, rau và ngũ cốc là một trong những loại thực phẩm tốt nhất để tăng lượng chất xơ trong khẩu phần.
Có rất nhiều loại thuốc để điều trị táo bón, nhưng không phải tất cả các thuốc này đều phù hợp trong mọi tình huống gây táo bón. Vì vậy, cần lựa chọn thuốc sử dụng đúng và an toàn.
Methylcellulose là thuốc nhuận tràng được sử dụng để bổ sung chất xơ (tạo khối phân) nếu bệnh nhân không có đủ lượng chất xơ. Đây là thuốc tương đối an toàn vì không bị hấp thu. Thuốc có tính hút nước nên khi dùng thuốc này cần uống nhiều nước giúp trương nở tăng khối lượng phân dẫn đến kích thích tăng nhu động ruột (nếu uống không đủ nước sẽ gây tắc nghẽn đường ruột). Thuốc này không được ưu tiên dùng cho táo bón cấp tính vì khi uống thuốc tác dụng của thuốc chậm thường đạt được sau vài ngày dùng thuốc. Một số bệnh nhân có thể gặp trướng bụng hoặc vấn đề về trung tiện với sự gia tăng chất xơ, nhưng những triệu chứng này sẽ giảm theo thời gian.
Polyethylene glycol là thuốc nhuận tràng thẩm thấu an toàn để sử dụng cho bệnh nhân lớn tuổi bị táo bón. Các thuốc này tác động theo cơ chế thẩm thấu, giữ lại các chất lỏng trong ống tiêu hóa, dẫn đến làm mềm phân. Khi uống, polyethylene glycol thường làm giảm táo bón trong từ 1 - 3 ngày. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp có thể xảy ra khi dùng thuốc này bao gồm phân lỏng, buồn nôn, đầy hơi, chuột rút. Nặng hơn thuốc gây tiêu chảy, nổi mề đay. Nếu gặp bất cứ tác dụng phụ nào cần ngưng dùng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị biết.
Trường hợp bị táo bón cấp tính, có thể được thuyên giảm với việc sử dụng các thuốc đạn glycerin. Glycerin cũng là thuốc được xem là rất an toàn, tác dụng nhanh trong vòng 30 phút. Tuy , bệnh nhân có thể bị kích ứng trực tràng nhẹ.
Chứng mất ngủ
Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ (mất ngủ) ở người cao tuổi cũng rất đa dạng như: đau, các triệu chứng tiết niệu có liên quan với tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc bàng quang hoạt động quá mức, ngưng thở khi ngủ, các vấn đề vệ sinh giấc ngủ, hoặc tác dụng phụ của thuốc. Đây là các yếu tố rất quan trọng cần tìm hiểu trước khi quyết định dùng thuốc trị mất ngủ.
Nhiều sản phẩm không cần kê đơn chứa kháng histamin có tác dụng an thần như diphenhydramine. Tuy nhiên những sản phẩm này thường không được khuyến cáo dùng cho người lớn tuổi vì tác dụng phụ kháng cholinergic. Melatonin được coi là khá an toàn dùng điều trị mất ngủ ở người cao tuổi, vì lão hóa có liên quan với giảm hormon tự nhiên này được tiết ra bởi tuyến tùng. Tuy nhiên liều lượng dùng và thời gian dùng thuốc cần theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, người bệnh không được tự ý sử dụng.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp là một bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Đau do viêm xương khớp làm hạn chế vận động và là một trong những biểu hiện khiến người bệnh cần tới sự trợ giúp của y tế và thuốc. Acetaminophen (paracetamol) là một thuốc giảm đau được dùng để điều trị các cơn đau nhẹ và vừa, khi có ít hoặc không có liên quan đến viêm. Đây là một thuốc dùng tương đối an toàn. Nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ của thuốc acetaminophen khi dùng liều cao, sử dụng lâu dài hoặc khi thuốc được sử dụng không thích hợp (quá liều). Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân bị suy gan, người sử dụng (lạm dụng) rượu.
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được dùng để giảm đau kháng viêm trong các bệnh viêm xương khớp. Nhưng khi dùng nhóm thuốc này cần thận trọng với các nguy cơ như gây viêm loét hoặc chảy máu đường tiêu hóa, tăng huyết áp... Đây chính là nhược điểm lớn cần chú ý khi dùng các thuốc NSAID, nhất là đối với người cao tuổi.