Rượu bia là chất hướng thần với đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa qua nhiều thế kỷ. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra nhiều bệnh tật, là gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.
Câu hỏi 1: Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là gì?
Trả lời: Rượu bia là chất hướng thần với đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa qua nhiều thế kỷ. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra nhiều bệnh tật, là gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội. Theo Chiến lược toàn cầu về giảm sử dụng đồ uống có cồn ở mức nguy hại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khái niệm sử dụng rượu bia ở mức nguy hại rất rộng, bao gồm cả việc sử dụng mà gây ra các hệ quả bất lợi về sức khỏe và xã hội cho người uống, những người xung quanh và xã hội nói chung, cũng như các hình thức sử dụng rượu bia liên quan tới với việc gia tăng các nguy cơ gây bất lợi cho sức khỏe.
Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và được coi là một trong các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sức khỏe kém trên toàn cầu. Uống rượu bia có thể hủy hoại cuộc sống của mỗi cá nhân, gây đổ vỡ gia đình và phá vỡ sự gắn kết cộng đồng.
Câu hỏi 2: Uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu (rượu mạnh/rượu vang) có đúng không?
Trả lời: Không đúng. Tác hại đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại).
Câu hỏi 3: Thế nào là một đơn vị cồn tiêu chuẩn (Standard drink)?
Trả lời:Để hình dung và ước tính khối lượng cồn nguyên chất đã tiêu thụ, nhiều quốc gia đã đưa định nghĩa đồ uống có cồn và định nghĩa về đơn vị chuẩn vào hướng dẫn quốc gia. 50 quốc gia đã định nghĩa đơn vị tiêu chuẩn tính theo gam chất cồn tuyệt đối. Cho đến nay, 10 gam là mức phổ thông nhất cho 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn (tại 26 quốc gia). Đơn vị cồn được tính bằng công thức sau: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (Nồng độ (%) x Khối lượng riêng)
Ví dụ: Cốc bia 0,33 lít với nồng độ cồn 4% sẽ có 10.4 g đơn vị cồn. Cồn nguyên chất có khối lượng riêng là 0.793g/cm3 (ở 200 C). Như vậy, 1 đơn vị tiêu chuẩn (10 gam cồn nguyên chất) tương đương với 3/4 chai hoặc một lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%). 3 3/4 chai hoặc 01 lon bia 330 ml (5%) 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) 1 cốc bia hơi 330 ml (4%) 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%)
Câu hỏi 4: Như thế nào gọi là uống rượu bia ở mức nguy hại?
Trả lời: Uống rượu bia ở mức nguy hại được định nghĩa là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên (6 đơn vị cồn trở lên). Uống rượu bia ở mức nguy hại là 1 trong những chỉ số quan trọng nhất phản ánh hậu quả cấp tính về sức khỏe và xã hội của việc sử dụng rượu bia, ví dụ như thương tích.
Câu hỏi 5: Uống rượu bia ở ngưỡng nào thì có nguy cơ bất lợi cho sức khỏe? Trả lời: Năm 2016 Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã kết luận ngưỡng an toàn cho sức khỏe là không uống. Cần thay đổi quan điểm lâu nay về lợi ích sức khỏe mà rượu bia đem lại bởi hiện nay các phương pháp nghiên cứu và phân tích tiến bộ hơn tiếp tục cho thấy sử dụng rượu bia góp phần gây ra gánh nặng lớn bệnh tật và tử vong trên toàn cầu.
Để giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe thì ngưỡng tiêu thụ rượu bia là 0 gram cồn mỗi tuần. Mặc dù một số nghiên cứu trước đây cho thấy uống rượu bia có thể có lợi cho cho tim nhưng chỉ trong điều kiện người uống đã trên 45 tuổi và uống với mức nguy cơ thấp (dưới 10 đơn vị cồn mỗi tuần, và trong tuần phải có ít nhất 2 ngày không uống hoàn toàn).
Gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu với phương pháp tiến hành và phân tích tiến bộ hơn cùng cho kết quả rằng rượu bia không có tác dụng bảo vệ hoặc tác dụng bảo vệ của rượu bia đối với bệnh tim mạch hoặc các nguyên nhân gây tử vong khác là không có ý nghĩa thống kê. Hơn nữa, tác dụng bảo vệ nói trên chỉ được nhìn nhận đơn lẻ mà không tính đến các rủi ro sức khỏe tổng thể của việc uống rượu bia - đặc biệt là mối liên hệ chặt chẽ giữa uống rượu và nguy cơ mắc ung thư, tai nạn thương tích và các bệnh truyền nhiễm.
Câu hỏi 6: Sử dụng rượu bia có thể gây ra những bệnh gì?
Trả lời: Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích như được mô tả trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan, phiên bản lần thứ 10. Rượu bia là chất hướng thần với những đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Uống rượu bia có liên quan tới nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe như rối loạn tâm-thần kinh, hành vi, bao gồm rối loạn sử dụng rượu bia (AUD), các bệnh không lây nhiễm chính, thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông (6-8).
Một số bệnh/ thương tích chính do sử dụng rượu bia:
- Bệnh tim mạch, đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ;
- Bệnh tiêu hóa/ rối loạn tiêu hóa;
- Gây tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính;
- Ung thư ( khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại-trực tràng, gan, mật và ung thư vú);
- Thương tích. Một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý , gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây tử vong liên quan đến rượu bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi tương đối trẻ. Trong năm 2016, tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia chiếm 41% tổng số ca tử vong do thương tích có liên quan đến rượu bia.
- Rối loạn sử dụng rượu bia (AUD). Rối loạn sử dụng rượu bia là một bệnh mạn tính của não bộ với các đặc trưng: người bệnh cảm thấy bắt buộc phải sử dụng rượu bia, không kiểm soát được lượng uống và rơi vào tâm trạng tiêu cực khi không sử dụng. Năm 2016, trên thế giới 283 triệu người từ 15 tuổi trở lên (chiếm 5.1% người trưởng thành) bị rối loạn sử dụng rượu bia .
Câu hỏi 7: Ảnh hưởng của việc sử dụng rượu bia với an toàn giao thông?
Trả lời: Sử dụng rượu bia làm tăng nguy cơ gây tai nạn của người điều khiển phương tiện giao thông và cả người đi bộ do rượu bia làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ. Nghiên cứu cho thấy người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50 mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng.
Câu hỏi 8: Các hậu quả về mặt xã hội liên quan đến sử dụng rượu bia?
Trả lời: Ngoài những tác hại đối với sức khỏe, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội . Hung hãn, bạo lực và tội phạm khi nồng đồ cồn trong máu đến mức 0.05%, người uống rượu bia có xu hướng trở nên hung hãn, và nồng độ cồn trong máu càng cao thì mức hung hãn càng tăng. Rượu bia là nguyên nhân dẫn đến: 88.000 trường hợp thiệt mạng trong các vụ bạo lực do người uống rượu bia gây ra năm 2016 trên toàn thế giới. 47% vụ bạo lực giữa các cá nhân tại Anh và 63% tại Scotland. 33% vụ bạo lực gia đình tại Ấn Độ và 51% tại Nigeria . Đối với các hành vi phạm tội, 19% vụ án hình sự, 11 % hành vi chống đối xã hội tại Bắc Ireland có liên quan tới sử dụng rượu bia. Năm 2008 tại Thái Lan, 40% số vụ tội phạm là do thanh niên/người trẻ tuổi sử dụng rượu bia gây ra. Suy giảm chức năng xã hội Sử dụng rượu bia có thể ảnh hưởng tới các chức năng xã hội của người uống: giảm khả năng lao động, học tập, ảnh hưởng vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình; phá hỏng các mối quan hệ xã hội và tăng nguy cơ phạm tội. Báo cáo của WHO cho thấy rượu bia là nguyên nhân của 15-20% các trường hợp vắng mặt và 40% tai nạn nơi làm việc ở Ấn Độ. 30% các trường hợp vắng mặt và tai nạn nơi làm việc ở Costa Rica là do người lao động bị phụ thuộc rượu bia.
Câu hỏi 9: Hậu quả của việc sử dụng rượu bia và gánh nặng kinh tế do rượu bia gây ra là gì?
Trả lời: Hàng loạt tổn thất kinh tế liên quan tới sử dụng rượu bia. Ở góc độ gia đình, thành viên hộ gia đình sử dụng rượu bia có thể gây thiệt hại lớn về tài chính, và làm cho tình trạng đói nghèo trở nên trầm trọng (15-17). Trên phương diện xã hội, thiệt hại kinh tế do sử dụng rượu bia bao gồm gánh nặng cung cấp dịch vụ để giải quyết các hậu quả liên quan của các ngành phụ trách phúc lợi xã hội, y tế và tư pháp. Ước tính phí tổn xã hội của việc sử dụng rượu bia đã được nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phí tổn xã hội bao gồm các chi phí thành phần sau :
- Chi phí trực tiếp: chi phí chăm sóc và điều trị bệnh tật và chấn thương liên quan tới rượu bia, thiệt hại tài sản do tai nạn giao thông và các loại tai nạn khác, chi thực thi pháp luật và các dịch vụ pháp lý.
- Chi phí gián tiếp: năng suất lao động bị giảm do người lao động vắng mặt vì ốm đau hoặc phải giải quyết hậu quả liên quan tới rượu bia hoặc người lao động vẫn làm việc nhưng 7 hiệu suất giảm do bị bệnh tật liên quan năng suất lao động mất đi do người lao động tử vong sớm vì bệnh tật hoặc chấn thương liên quan tới rượu bia.
- Chi phí vô hình: chất lượng cuộc sống suy giảm, đau khổ, chịu đựng về tinh thần liên quan đến rượu bia. Thiệt hại về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm 1.3-3.3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia.
Lê Lành (theo Cục Y tế dự phòng)