Thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng gia tăng, nhiệt độ tại nhiều địa phương trong những ngày qua đã lên tới hơn 36-37°C. Theo các chuyên gia y tế, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt do virus, đau mắt đỏ, tiêu chảy, thủy đậu… là những bệnh truyền nhiễm cấp tính có xu hướng đe dọa sức khỏe người dân trong mùa hè.

Viêm não Nhật Bản, bệnh tay chân miệng có khả năng bùng dịch

Tại Hội thảo phòng chống các dịch bệnh mùa hè mới đây, TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết 10 bệnh truyền nhiễm gồm: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, thủy đậu, adeno vi rút, Lỵ amip, Rubella, Viêm não vi rút có số ca mắc cao nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Theo TS Bắc, số  mắc 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8) trong giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, cúm đừng đầu với gần 400 nghìn ca mắc, trong đó gặp nhiều nhất ở miền Bắc với trên 258 nghìn ca. Sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng là những bệnh phổ biến trong ngày hè. Trong đó, gần 40 nghìn ca mắc tay chân miệng trong 4 tháng ở giai đoạn 2011 - 2015, số ca mắc gặp phổ biến nhất ở khu vực miền Nam với hơn 20 nghìn ca. Thời tiết mùa hè là nguyên nhân dễ bùng phát các dịch bệnh này. Do tình trạng nắng nóng, thực phẩm dễ ôi thiu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, khô hạn, thiếu nước sạch…làm gia tăng mắc bệnh đường tiêu hóa. Tỉ lệ mắc trung bình 4 tháng trong 5 năm này với bệnh tiêu chảy là gần 225 nghìn ca mắc, miền Bắc cũng dẫn top đầu với gần 129 nghìn ca.

Đặc biệt với bệnh đau mắt đỏ do adeno vi rút là căn bệnh vô cùng phổ biến trong ngày hè, với số mắc trung bình trong 4 tháng của giai đoạn 2011- 2015 là 7,500 ca, trong đó riêng khu vực miền Bắc đã chiếm đến hơn 5 nghìn ca.

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện bệnh viêm não Nhật Bản và TCM đang xuất hiện rải rác ở một số địa phương, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương, thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 20-30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản bị tử vong; khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần. Bệnh viêm não Nhật Bản để lại biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản-phổi do bội nhiễm vi khuẩn; một số bệnh nhân có di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, parkinson.

Bên cạnh viêm não Nhật Bản, TCM cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè. Bệnh này lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh; thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và thường tăng mạnh vào các tháng hè, kéo dài đến tháng 9, 10. Đa số các trường hợp mắc bệnh này sẽ tự khỏi. Nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 sẽ khiến một số trẻ có biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.

BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ có biến chứng não do mắc TCM thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, hay giật mình lúc thức hoặc lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng là: Sốt cao, nôn ói nhiều, da nổi bóng nước, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng. Khi có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Theo BS Dũng, do hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh TCM và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Tại Khoa Khám bệnh các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn... số trẻ nhập viện vì nắng nóng trong những ngày này tăng mạnh. Chỉ riêng tại Bệnh viện Xanh Pôn từ đầu tuần tới nay, mỗi ngày cũng có trên 400 trẻ được gia đình đưa tới viện khám và điều trị, tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường. Tình hình này sẽ nghiêm trọng hơn vào những ngày tới.

Nguy cơ sốt vàng xâm nhập và sự xuất hiện trở lại của Zika

Ngoài hai bệnh truyền nhiễm cấp tính nói trên, nước ta còn đối diện với nguy cơ xâm nhập của bệnh sốt vàng. Đây cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỉ lệ tử vong đến 50%. Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng của bệnh gồm: Sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ; khoảng 15% trường hợp mắc sốt vàng phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Hiện bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại 42 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 84.000-170.000 trường hợp mắc và 60.000 người tử vong do sốt vàng. Tại Việt Nam chưa lưu hành bệnh sốt vàng. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu lo ngại, hiện nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với Angola và nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng bất kỳ lúc nào.

Theo Cục Y tế dự phòng tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng cho thấy chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes (một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika), các chuyên gia nhận định: Có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân tuýp khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân tuýp virus Zika khu vực châu Mỹ Latinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh. Song trong thời gian tới hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.

Cục Y tế dự phòng khẳng định: Hiện nay, cả nước đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng nỗ hu do virus Zika nhằm tăng cường phòng nỗ hu trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh.

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt, chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ; nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời; không nên tự ý đi xét nghiệm xác định khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế.