Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp và có nhiều nguyên nhân. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè vì ruồi nhặng phát triển, hoặc do nguồn nước bị ô nhiễm, ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, các chất độc xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy... Tiêu chảy là một hội chứng đặc trưng bởi sự đẩy phân nhanh, phân nhiều nước và khối lượng trên 300g/ngày. Nếu chỉ bị tiêu chảy một vài lần trong ngày thì không đáng ngại, nhưng khi đại tiện quá nhiều và kéo dài thì phải cho trẻ tới bệnh viện để điều trị tích cực, kết hợp điều trị triệu chứng với nguyên nhân.
nỗ hu

Tùy theo nguyên nhân mà có những triệu chứng nổi bật: Bắt đầu từ từ hay đột ngột; số lần đi cầu có thể ít (3 - 5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày); hầu hết các trường hợp có đau bụng (từng cơn hay liên tục, mót rặn hoặc đau quanh hậu môn), buồn nôn hay nôn. Một số hội chứng liên quan đến nguyên nhân như hội chứng nhiễm khuẩn (sốt, lưỡi bẩn, mệt nhọc…), nhiễm độc (tùy từng chất, có biểu hiện khác nhau), mất nước và điện giải (khát nước, khô miệng, mắt trũng, da nhăn, tứ chi lạnh, chuột rút, rối loạn nhịp tim, tiểu ít hay không nước tiểu…), trụy tim mạch (mạch nhanh và nhỏ, huyết áp thấp hay không đo được…).

Tiêu chảy do Rotavirus đặc trưng với 3 triệu chứng: sốt, nôn và mất nước. Mất nước do tiêu chảy có thể chia làm 3 độ: độ 1: Trẻ tiêu chảy khoảng 4 - 6 lần/ngày, không nôn và khát, tiểu tiện bình thường; độ 2: Trẻ tiêu chảy 5 - 10 lần/ngày, nôn và khát nước, mệt mỏi, tiểu ít, môi khô; độ 3: trẻ tiêu chảy trên 10 lần/ngày, rất khát nước, tiểu ít hay không có nước tiểu, môi khô nẻ, li bì, mắt trũng sâu, da nhăn nheo.

Trong điều trị , bù nước kịp thời và đầy đủ là vô cùng quan trọng, có thể dùng Oresol pha đúng chỉ dẫn. Tuy nhiên, tiêu chảy mất nước độ 3 hoặc kèm theo các biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Uống nhiều nước (nước đường, nước rau quả, nước cháo). Khi đã giảm tiêu chảy, ăn đặc dần, vài hôm sau ăn bình thường.

Để đề phòng tiêu chảy, cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn rau quả sống phải rửa thật kỹ (tốt nhất rửa trực tiếp dưới vòi nước); thức ăn phải đậy kỹ để tránh ruồi nhặng; không ăn thức ăn bị ô nhiễm, không đi cầu ra sông, xuống ao, ra đồng; Không ăn thịt các loại động vật như cá nóc, cóc, các loại nấm chưa biết rõ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần giúp trẻ tăng sức đề kháng bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, vệ sinh sạch sẽ, không uống nước đá, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột, trong đó, một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là vi - rút đường ruột. Dù trời nóng nhưng không để quạt máy thẳng vào người, nhất là đối với trẻ nhỏ vì dễ bị cảm lạnh; không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Cần hạn chế cho trẻ ra ngoài, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng.

Nếu trẻ có biểu hiện mệt sốt cần sử dụng nhiệt kế tại nhà để xem trẻ có sốt hay không. Nếu thân nhiệt trên 37,50C, cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước, cởi hết quần áo, lau mát hạ sốt bằng nước ấm, chủ yếu lau vùng trán, nách, bụng và háng; uống thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ khi thân nhiệt lớn hơn 38,50C cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để phòng những biến chứng nguy hiểm.

SKĐS