Thời gian gần đây, một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là ở Thái Nguyên số người bị chó cắn gia tăng. Nguy cơ nhiễm bệnh dại từ chó, mèo dại là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiêm phòng cho chó, mèo chưa được làm tốt; cũng như người bị chó, mèo cắn cũng không chủ động tiêm ngừa, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Xem hình
Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

Tại Thái Nguyên, trong vòng 4 tháng qua, có tới 400 người bị chó, mèo cắn, trong đó 1/3 là trẻ em. Con số này lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cho dù chính quyền đã vận động tiêm vắc xin phòng dịch cho chó, mèo, nhưng số người đưa chúng tiêm tiêm phòng dại vẫn ít.

 

Điều đó được giải thích với nguyên nhân tiền tiêm phòng cao, cụ thể là 80.000 đồng/liều. Nhưng đây là lý do không thuyết phục bởi mỗi năm chỉ tiêm một lần, cho dù một gia đình nuôi vài ba con chó, mèo thì số tiền cũng không thật lớn. Quan trọng nhất là ý thức người dân về việc phòng dại cho chó, mèo. Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng vật nuôi của gia đình mình rất khó bị dại, cho dù thả rông.

 

Cũng cần lưu ý, thống kê của cơ quan chức năng, năm qua cả nước có tới 60.000 người bị chó, mèo cắn, trong đó có 14 người tử vong. Còn nhớ, cuối tháng 1 vừa qua, một cháu gái 10 tuổi (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã tử vong do chó dại cắn. Đáng chú ý, cháu bị chó dại cắn từ tháng 8/2014. Gia đình có chó dại đã hỗ trợ tiền để tiêm ngừa cho cháu, nhưng gia đình cháu chủ quan không cho con đi tiêm ngừa. Sự chủ quan của gia đình xuất phát từ việc năm 2013, cháu cũng đã từng bị chó cắn, và đã tiêm phòng. Tới tối ngày 25/1/2015, cháu lên cơn sốt, sau đó tự bẻ ngón tay, xé quần áo đang mặc và cắn 5 người trong gia đình. Lúc đó gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện. Bệnh viện xác định cháu bị bệnh dại, vô phương cứu chữa.

 

Sự việc đau lòng đó cho thấy, không thể chủ quan khi bị chó, mèo cắn, vì thời gian phát bệnh có thể nhanh, nhưng cũng có khi ủ bệnh rất lâu. Theo tính toán của cơ sở y tế, để điều trị một ca bị chó, mèo dại cắn, sẽ tốn khoảng 2,3 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với những gia đình nghèo, vì thế nếu không chủ động từ trước thì nguy cơ là rất lớn. Cũng cần lưu ý, hiện chỉ có khoảng trên dưới 60% số chó, mèo nuôi được tiêm phòng, do đó nguy cơ bệnh dại là rất cao.

 

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5 vạn người tử vong do bệnh dại. Tại những quốc gia không nuôi nhốt chó, mèo mà thả rông (trong đó có Việt Nam), nguy cơ tử vong do bệnh dại rất cao. Đặc biệt, vào mùa hè, số chó, mèo bị dại tăng đột biến, nên sự phòng ngừa càng phải được đề cao.

 

Khi bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, điều cần nhất là phải đưa người đó tới bệnh viện khám, tránh dùng thuốc nam để điều trị vì không có kết quả. Trước khi đưa tới bệnh viện, cần tiến hành sơ cứu: ngay lập tức phải rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối, dội nước nhiều lần để sát khuẩn và làm giảm đến mức thấp nhất lượng vi rút còn lại ở vết thương. Công việc đó phải được tiến hành từ 10-15 phút. Sau đó, phải bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc. 

 

Không chủ quan, đó là điều tiên quyết khi bị chó, mèo cắn, bởi lẽ thời gian ủ bệnh (và phát bệnh) có khi là trong 2 - 8 tuần lễ, nhưng có trường hợp kéo dài 1 năm, thậm chí lâu hơn. Tất cả những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong. Phải đi tiêm phòng dại ngay trong các trường hợp: Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại; vết cắn gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục; không theo dõi được con vật. Khi bị chó, mèo cắn (không biết là chúng có bị dại hay không), nên chủng ngừa sớm trong vòng 2 ngày thì hiệu quả rất cao.

 

 

Theo Đại đoàn kết

Tác giả: Theo Đại đoàn kết