Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp do trực khuẩn có tên Bordetella pertussis gây nên, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện lâm sàng bằng những con ho dữ dội và có nhiều biến chứng.
Xem hình
Ảnh minh họa.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh ho gà

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh ho gà nhưng trẻ sơ sinh và trẻ em không được tiêm vắc xin có nguy cơ cao, và có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng do bệnh ho gà.

Nguồn bệnh

Là những người mắc bệnh ho gà. Bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh, khi có dấu hiệu viêm long đường hô hấp và những cơn ho.

Đường lây

Vi khuẩn gây bệnh ho gà sống ở trong mũi, miệng, cổ họng và bị lan ra không khí khi người bệnh xịt mũi, ho, hắt hơi hoặc nói. Người bình thường ở cạnh người bệnh ho gà có thể hít mầm bệnh vào. Phạm vi lây trong khoảng dưới 3 mét. Trẻ sơ sinh thường bị lây bệnh ho gà từ trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành.

Những triệu chứng của bệnh ho gà

Có 4 giai đoạn của bệnh ho gà

- Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này thường kéo dài từ 7-10 ngày nhưng cũng có thể tới 21 ngày.

- Giai đoạn khởi phát: Thường kéo dài một tới hai tuần. Bắt đầu giống như cảm lạnh, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt nhẹ và ho dần dần nặng hơn. 

- Giai đoạn toàn phát: Xuất hiện những cơn ho không kiềm chế được (cơn bộc phát) và tiếng thở rít (ở trẻ sơ sinh) khi hít thở. Trong những cơn ho nặng, người bệnh có thể bị ngạt, nôn ói hoặc mặt tím tái do thiếu không khí. Giữa những cơn ho người bệnh thường vẫn có vẻ khỏe mạnh. Những cơn ho có thể tệ tới mức làm người bệnh không thể ăn uống hoặc thở được. Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh có thể ngừng thở (không thở được) hoặc xanh tím (da tím tái). 

- Giai đoạn hồi phục: Là khi các triệu chứng dần dần tiến cải thiện qua nhiều tuần. Số cơn ho giảm, thời gian mỗi cơn ho ngắn lại, khạc đờm ít sau đó hết hẳn.

Biến chứng

Biến chứng hô hấp: Viêm phế quản phổi là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ so sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, nghe phổi có nhiều ran ẩm, ran nổ. Tử vong cao do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể dãn phế quản do hậu quả của viêm phế quản phổi. 

Biến chứng thần kinh: Viêm não là biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cứu sống có thể để lại di chứng liệt nửa người, liệt chi, liệt dây thần kinh sọ hoặc rối loạn tâm thần.

Một số biến chứng khác: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, có thể vỡ phế nang, tràn khí màng phổi, xuất huyết võng mạc và bội nhiễm vi khuẩn khác.

Chẩn đoán

Dựa vào

- Lâm sàng: Tuổi dễ mắc (1-6 tuổi), có cơn ho điển hình.

- Xét nghiệm: Bạch cầu máu tăng cao, chủ yếu là tế bào lympho, cấy dịch nhầy họng trong tuần đầu tìm vi khuẩn.

- Dịch tễ: Phơi nhiễm với bệnh ho gà hoặc nhiều trẻ bị trong một khu tập thể.

Điều trị

- Kháng sinh đặc hiệu

Kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh sang người khác và có thể giảm mức độ trầm trọng của bệnh nếu được sử dụng sớm. Nên dùng: Ampixilin 75-100mg/kg/ngày, uống 7 - 10 ngày hoặc Erythromyxin 30 - 50 mg/kg/ngày, uống từ 7 - 10 ngày.

- Điều trị triệu chứng

Điều trị các triệu chứng giảm và cắt ho. Hút đờm dãi và thở oxy nếu bệnh nhân có khó thở. Phối hợp kháng sinh khi có bội nhiễm đường hô hấp. Cho trẻ ăn nhiều bữa, bổ sung các loại vitamin nhóm B.

Phòng bệnh

- Phòng bệnh chung

Những người bị ho gà phải được cách ly cho tới 5 ngày sau điều trị kháng sinh. 

Những bệnh nhân ho gà không dùng kháng sinh phải được cách ly tới 21 ngày sau giai đoạn ho. 

Những người tiếp xúc với các ca bệnh ho gà cũng phải được cách ly tới 5 ngày sau điều trị kháng sinh. 

Có thể dùng Erythromyxin để phòng ho gà cho những trẻ tiếp xúc với bệnh nhân.

- Đặc hiệu

Vắc xin ho gà góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở nước ta, bệnh ho gà được nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Hiện nay, tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh ho gà được sử dụng là Quinvaxem. Tiêm 3 liều vào tháng thứ 2, 3, 4 sau khi sinh và tiêm nhắc lại sau mũi thứ 3 tối thiểu 1 năm.  

 

TTGDSK

Tác giả: TTGDSK