1. Virut Zika ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi như thế nào?
Xem hình
Ảnh minh họa

Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm virut Zika truyền qua vết đốt của muỗi Aedes mang virut tương đương như mọi người khác. Một số phụ nữ  thậm chí không biết là mình đã bị nhiễm virut, vì không có bất kỳ triệu chứng nào. Cứ bốn người bị nhiễm virut thì chỉ có một người phát bệnh và các triệu chứng của bệnh thường là nhẹ.

        Các triệu chứng phổ biến nhất là phát ban ngoài da, thường kèm theo sốt nhẹ. Zika cũng có thể gây ra viêm kết mạc, đau cơ và khớp, khó chịu toàn thân, khởi phát một vài ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

       Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu để xác định những ảnh hưởng của virut Zika đối với bào thai. Ngày 28/11/2015, Bộ Y tế Brazil đã xác minh mối liên quan giữa sự gia tăng các trường hợp tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và nhiễm virut Zika ở vùng đông bắc nước này. Cơ quan y tế Brazil, với sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Mỹ (PAHO) và các cơ quan khác, đang tiến hành nghiên cứu để làm rõ nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và hậu quả của tật đầu nhỏ.

2. Có phương pháp điều trị cho bệnh do virut Zika không?

       Hiện tại chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu cho nhiễm Zika. Vì lý do đó, việc điều trị chỉ nhằm làm giảm nhẹ các triệu chứng cho tất mọi người mắc bệnh, kể cả phụ nữ mang thai mà nên tuân thủ lời khuyên của bác sĩ.

     Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai và những người đang dự định có thai mà bị phơi nhiễm virut Zika, nên tới khám tại các phòng khám tiền sản để có được thông tin cần thiết và theo dõi thai kỳ, theo đúng chế độ chính sách và hướng dẫn thực hành y tế quốc gia.

3. Khuyến cáo cho phụ nữ mang thai sống ở những nơi virut Zika đang lưu hành

    Mọi người, kể cả phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tránh bị muỗi đốt, bằng cách mặc áo dài tay và quần dài, sử dụng màn chống muỗi kể cả ban ngày, cũng như hóa chất đuổi côn trùng theo khuyến cáo của cơ quan y tế và hướng dẫn sử dụng hóa chất. Trong từng ngôi nhà và môi trường xung quanh, điều quan trọng là phát hiện và loại bỏ nơi muỗi có thể đẻ trứng.

       Dựa vào báo cáo các trường hợp lây truyền virut Zika qua đường tình dục, bạn tình của phụ nữ mang thai đang sống tại vùng dịch hoặc trở về từ những nơi có virus Zika đang lưu hành, nên áp dụng biện pháp quan hệ tình dục an toàn hoặc kiêng quan hệ tình dục (trong suốt thai kỳ).

4. Phụ nữ mang thai có thể đi đến những nơi mà Zika đang lưu hành không?

    Phụ nữ mang thai không nên đi đến những nơi đang có bùng phát bệnh do virut Zika; phụ nữ mang thai có bạn tình sống tại vùng dịch hoặc đi đến các vùng có bùng phát virut Zika phải đảm bảo quan hệ tình dục an toàn hoặc tránh quan hệ tình dục trong thời gian mang thai.

5. Phụ nữ mang thai có thể được bảo vệ như thế nào ở những nơi Zika đang lưu hành?

    Để phòng ngừa muỗi đốt, những người sống ở những khu vực có nhiều trường hợp mắc bệnh, cũng như du khách và đặc biệt là phụ nữ mang thai, nên:

• Mặc áo dài tay, quần dài và đội mũ.

• Dùng hóa chất đuổi muỗi theo khuyến cáo của cơ quan y tế (và sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn)

• Khi ngủ phải nằm màn, kể cả ban ngày.

• Phát hiện những nơi muỗi có thể đẻ trứng và loại bỏ chúng.

      Phụ nữ mang thai nên khám thai theo đúng lịch khám.

Phụ nữ mang thai có bạn tình sống ở vùng dịch hoặc đi đến vùng đang có dịch phải đảm bảo áp dụng biện pháp quan hệ tình dục an toàn hoặc kiêng quan hệ tình dục trong khi mang thai.

6. Khuyến cáo cho phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ ở vùng dịch virut Zika lưu hành về việc định mang thai?

     Những phụ nữ này nên có biện pháp phòng ngừa để tránh muỗi đốt, ngoài tránh bị bệnh do virut Zika, mà còn có thể phòng các bệnh khác như sốt xuất huyết và bệnh sốt chikungunya.

7. Virut Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con không?

     Đã có thêm nhiều bằng chứng về virut Zika lây truyền từ mẹ sang con. Nghiên cứu hiện đang được tiến hành về nguy cơ virut lây nhiễm từ mẹ sang con và các tác động có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai nói chung và đặc biệt là những người có triệu chứng nhiễm virut Zika, cần được theo dõi chặt chẽ ở các cơ sở y tế.

8. Các bà mẹ bị nhiễm virut Zika có thể cho con bú được không?

      Hiện tại chưa có tài liệu nào nói việc virut Zika lây truyền sang con qua sữa mẹ. Cho đến nay, ở những nước đang có lây truyền bệnh do virut Zika, chưa có báo cáo về hậu quả thần kinh hoặc bệnh nặng ở trẻ sơ sinh do bị nhiễm Zika sau sinh. Bất kỳ thay đổi nào ở những trẻ này cần được theo dõi cẩn thận. Với những bằng chứng sẵn có, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa đối với trẻ sơ sinh và bà mẹ là lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào của việc lây truyền virut Zika qua sữa mẹ.

9. Virut Zika có thể gây ra dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như tật đầu nhỏ?

      Tại một số bang của Brazil, nơi virut Zika đã lưu hành trong những tháng gần đây, đã có sự gia tăng đáng kể các trường hợp trẻ sơ sinh bị tật đầu nhỏ. Các cơ quan y tế đang tiến hành nghiên cứu để làm rõ nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và hậu quả của tật đầu nhỏ.

       Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia tiếp tục hỗ trợ phụ nữ có thai tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh. Phụ nữ có thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh bị muỗi đốt.

       Điều quan trọng để bảo vệ cho phụ nữ mang thai là thông tin đầy đủ và hỗ trợ họ trong quá trình mang thai.

10. Tật đầu nhỏ là gì?

       Tật đầu nhỏ là một bệnh thái hiếm gặp mà nguyên nhân có thể do di truyền hoặc do môi trường (ngộ độc, phóng xạ hoặc nhiễm trùng). Tật này được định nghĩa là một tình trạng khi sinh, vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn dự kiến so với tuổi và giới. Tật đầu nhỏ có thể biểu hiện là một tình trạng riêng biệt hoặc có thể kết hợp với các triệu chứng khác như co giật, chậm phát triển tâm thần hoặc khó bú/ăn. Những triệu chứng này khác nhau về mức độ nặng và trong một số trường hợp có thể đe dọa tính mạng.

      Rất khó dự đoán những hậu quả của tật đầu nhỏ tại thời điểm sinh, vì vậy cần theo dõi sát sao qua việc kiểm tra sức khỏe để theo dõi và đánh giá trẻ bị tật này. Không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho tật đầu nhỏ. Việc chăm sóc cần tập trung vào việc theo dõi, khích lệ và tăng cường tối đa các khả năng của trẻ.

11. Làm thế nào để khẳng định trẻ bị tật đầu nhỏ?

      Cách đáng tin cậy nhất để đánh giá liệu trẻ có bị tật đầu nhỏ hay không là đo chu vi vòng đầu lúc mới sinh và đo lại 24 giờ sau khi sinh.  Ngay sau khi trẻ có chẩn đoán tật đầu nhỏ, một nhóm nhân viên y tế liên khoa sẽ bắt đầu một quá trình theo dõi và giám sát trẻ.

     Phụ nữ mang thai nên thường xuyên đi khám thai và làm các xét nghiệm cần thiết ở từng giai đoạn của thai kỳ.

12. Phụ nữ có nên trì hoãn việc có thai hay chấm dứt thai kỳ do virut Zika hay không?

       Hiện vẫn chưa rõ dịch Zika sẽ tiếp diễn trong bao lâu. Bất kỳ quyết định nào về việc trì hoãn mang thai là quyền của người phụ nữ. Cần đảm bảo rằng phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, tất cả biện pháp tránh thai, có thong tin đầy đủ về biện pháp bảo vệ cá nhân khỏi muỗi đốt và về những nguy cơ mà họ có thể phơi nhiễm. Phụ nữ cũng cần được thông báo về các dịch vụ hỗ trợ mà họ có thể nhận được sau khi sinh. Thông tin này sẽ cần được thông báo tới phụ nữ một cách phù hợp về văn hóa và ngôn ngữ mà họ hiểu được.

      Phát hiện virut Zika trong khi mang thai là một thách thức ở hầu hết các nước đang phát triển. Tại thời điểm này, chưa có đủ bằng chứng để xác định các nguy cơ tiềm ẩn của người phụ nữ mang thai nhiễm virut Zika, cũng như nguy cơ đối với đứa con. Luật lệ liên quan đến đình chỉ thai nghén cần được cân nhắc tới khi đưa ra bất kỳ chỉ định nào.

Tác giả: Trung tâm TT GDSK