Dư luận đang hoang mang về độ an toàn của nước mắm khi Hội tiêu Chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố hàm lượng asen vượt ngưỡng. Tuy nhiên, cần hiểu bản chất asen hữu cơ hay asen vô cơ trong nước mắm.

Asen là gì?

Asen (arsen) hay còn gọi là thạch tín là một chất không màu, không mùi, không vị và có độc tính gấp 4 lần thủy ngân. Asen có thể tồn tại trong các thành phần của đất, nước, không khí.

Ngoài ra, Asen có mặt trong nhiều loại hải sản. Độc tính của asen phụ thuộc rất nhiều vào dạng hóa học của nó, nhìn chung, asen ở dạng hợp chất asen hữu cơ ít độc hơn rất nhiều so với asen vô cơ.

Asen hữu cơ và asen vô cơ

Asen hữu cơ có mặt ở nhiều loại động vật biển. Một số dạng Asen hữu cơ thường có độc tính rất thấp và một số dạng hoàn toàn không có độc tính, tuy nhiên ở hàm lượng cao, asen hữu cơ vẫn có thể gây ra những tác động nhất định đến sức khỏe con người. Hiện nay, hợp chất dạng asen hữu cơ chính trong động vật biển là Asenobetaie.  

Riêng asen vô cơ là một dạng đơn giản của asen không liên kết với carbon. Asen vô cơ thường được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo... Ở dạng hợp chất vô cơ, asen rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Chỉ 0,06gr asen vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc. Với liều lượng gấp đôi, sẽ gây tử vong.

Cũng chính vì lý do trên mà các loại thuốc trừ sâu chứa asen nguy hiểm bị cấm sử dụng đã lâu. Tuy nhiên hiện nay, asen vẫn còn tồn tại lâu dài trong đất gây ảnh hưởng đến môi trường và xâm nhập vào các nguồn nước, cây trồng, cá, động vật và các nguồn thực phẩm hàng ngày mà con người sử dụng.

Nếu tiếp xúc, ăn uống thực phẩm, nước nhiễm asen vô cơ trong thời gian dài có thể gây ra những biến đổi về sắc tố da như sạm da, dày sừng hoặc mụn cóc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trên người và có thể dẫn đến ung thư da. Ngoài ra, ăn uống nguồn thực phẩm, nước nhiễm asen làm tăng nguy cơ ung thư gan, thận, phổi... Mặt khác, asen thúc đẩy quá trình phát triển khối u, làm rối loạn quá trình tổng hợp ADN, làm giảm số lượng bạch cầu lympho ngoại vi, thay đổi khả năng miễn dịch và làm giảm sức đề kháng của cơ thể chống lại tế bào ung thư. 

Asen trong nước mắm là asen hữu cơ hay asen vô cơ?

Do asen hữu cơ có trong các loài cá biển nên làm mắm từ cá biển thì nước mắm sẽ chứa asen. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì nước mắm chứa asen hữu cơ gần như vô hại. Vì vậy, việc thông tin cho rằng nước mắm càng có độ đạm cao càng chứ nhiều asen là điều dễ hiểu. Thậm chí, tại Châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30mg/L.

Ngày 17/10/2016, Hội tiêu Chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát từ các mẫu xét nghiệm thì phần lớn mẫu nước mắm cao đạm có chứa asen vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, từ 150 mẫu nước mắm khảo sát, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ.

Theo các chuyên  gia, asen vô cơ rất nguy hiểm nhưng asen hữu cơ dù gấp 300 lần cũng an toàn với sức khoẻ người dùng. Vì vậy, việc công bố các mẫu nước mắm có hàm lượng asen cao, vượt ngưỡng cho phép cần thận trọng, phải chỉ ra rõ ràng asen hữu cơ hay asen vô cơ, vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất nước mắm.