Thời tiết nắng nóng, mức độ tiêu thụ các loại thực phẩm giải nhiệt mùa hè như kem, sữa chua rất phổ biến. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hàng loạt các cơ sở sản xuất kem, sữa chua mọc lên, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với loại hình kinh doanh này ngày càng phức tạp, các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bày bán trên thị trường. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do các sản phẩm kem, sữa chua gây ra; các lưu ý khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm trên như sau:

1. Lựa chọn và sử dụng kem

a) Kem là gì?

Kem thực phẩm là sản phẩm thu được từ việc làm đông lạnh hỗn hợp đã thanh trùng của chất béo và protein có bổ sung các thành phần khác, hoặc từ hỗn hợp của nước, đường, và các thành phần khác và được bảo quản ở trạng thái đông lạnh hoặc đông lạnh một phần.

b) Chọn mua kem

- Các sản phẩm kem trên thị trường rất đa dạng: kem tươi, kem que, kem hộp với nhiều hương vị, màu sắc khác nhau.

- Để có thể lựa chọn được các sản phẩm kem an toàn, chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua các loại kem uy tín, được đóng gói theo đúng quy cách, nhãn mác ghi đầy đủ các thông tin về tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần cấu tạo, số Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Chú ý các sản phẩm kem “nhái” : Nguyên liệu thông thường để làm kem “nhái” là bột kem, nước, đường hóa học, phẩm màu.

c) Bảo quản kem

- Khi cất kem trong ngăn đông lạnh, hãy để hộp kem ở trong cùng, tránh cánh cửa tủ càng xa càng tốt. Vì sự thay đổi nhiệt độ liên tục và đột ngột sẽ ảnh hưởng không ít đến chất lượng kem.

- Đối với những hộp kem còn thừa, sau khi dùng đậy kín hộp kem lại và bỏ vào trong túi nilong giữ thực phẩm, bao kín để không khí lọt vào trong túi càng ít càng tốt, sau đó cất kem trong tủ lạnh; làm như vậy kem vẫn xốp, mịn như mới.

2. Lựa chọn và sử dụng sữa chua

          a) Sữa chua là gì?

          Sữa chua là sản phẩm bơ sữa được sản xuất bởi vi khuẩn lên men của sữa. Sữa chua chứa rất nhiều khoáng chất như canxi, vitamin C, vitamin D, kẽm, axit lactic, probiotic. Sữa chua không chỉ là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, mà còn cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng.

 

          b) Chọn mua sữa chua

- Khi chọn mua sữa chua nên chọn mua sản phẩm của các thương hiệu có uy tín; trên nhãn mác của sản phẩm có ghi đầy đủ các thông tin về địa chỉ sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, số Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm… Chú ý xem xét bao bì và vỏ hộp; không mua các sản phẩm có bao bì bị méo mó, phồng rộp hay biến dạng. Trước khi mua sữa chua người tiêu dùng nên xem kỹ ngày sản xuất và hạn dùng để có thể sử dụng được sữa chua một cách an toàn trong nhiều ngày.

- Hiện nay trên thị trường ngoài những loại sữa chua len men từ sữa nguyên chất được đóng hộp dạng dẻo còn có rất nhiều loại sữa chua dạng nước được gọi với cái tên thông dụng là “sữa chua uống lên men”. Thành phần dinh dưỡng của 2 loại này không giống nhau. Sữa chua dạng nước có thành phần chủ yếu là sữa bò hoặc bột sữa, đường, axit chua, axit chanh hoặc axit táo, hương liệu và chất bảo quản; giá trị dinh dưỡng của nó chỉ bằng 1/3 so với sữa chua nguyên chất.

c) Bảo quản sữa chua

- Hãy bảo quản sữa chua trong tủ lạnh khi mua về. Tốt nhất nên sử dụng sữa chua trong vòng 1 tuần lễ sau khi mua (sản phẩm phải còn hạn sử dụng).

- Sữa chua dùng còn thừa phải đậy kín và cất vào tủ lạnh. Sữa chua mua ngoài hoặc chế biến tại nhà có thể để đông lạnh trong hộp kín khoảng 6 tuần lễ.

- Có thể bảo quản sữa chua bằng cách cho vào ngăn đá, trước khi ăn, bỏ xuống ngăn lạnh để sữa chua mềm lại.

d) Cách sử dụng sữa chua

          - Không phải sử dụng sữa chua càng nhiều càng tốt, nên sử dụng sữa chua với lượng vừa phải (1-2 cốc sữa chua/ngày, tương đương 100g-250g sữa chua/ngày).

- Thời điểm tốt nhất để dùng chúng là sau bữa ăn khoảng 30-60 phút sẽ giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn. Nên ăn sữa chua vào buổi tối sẽ giúp cơ thể hấp thu được tối đa lượng canxi có trong sữa chua.

- Không nên ăn sữa chua lúc đói, vì đó là lúc độ chua của dịch dạ dày cao nhất sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có lợi trong sữa chua.

          - Không nên làm nóng sữa chua, bởi vì sau khi làm nóng vi khuẩn có lợi trong sữa chua đã bị giết chết.


Tác giả: Chi cục ATVSTP