Viêm loét đại tràng (VLĐT) là một bệnh lý mạn tính ở đường tiêu hóa, gây viêm loét ở niêm mạc đại tràng và trực tràng, làm giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm! VLĐT thường gặp ở người trẻ tuổi và trung niên, nữ giới chiếm tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Xem hình

Bệnh viêm loét đại tràng

Nguyên nhân:

Hiện nay, y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra VLĐT, nhưng nhận thấy có những yếu tố liên quan đến nguy cơ gây bệnh:

Di truyền: trong gia đình có người thân bị VLĐT thường có nguy cơ mắc bệnh cao.

Sự lây nhiễm vi khuẩn hay virút từ người này sang người khác.

Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi mắc bệnh VLĐT.

Triệu chứng:

Các triệu chứng của VLĐT có thể khác nhau từ người này sang người khác, tùy thuộc vào mức độ và vị trí viêm xảy ra ở đại tràng. VLĐT thường gây ra các triệu chứng sau:

- Đau bụng.

- Tiêu chảy.

- Phân có máu (đôi khi có đàm hoặc mủ).

- Chán ăn, mệt mỏi, giảm cân, thiếu máu.

- Sốt…

VLĐT khởi phát thành từng đợt: xen kẽ với những ngày thuyên giảm là những ngày bùng phát các triệu chứng.

Biến chứng:

Bệnh VLĐT có thể gây ra các biến chứng:

- Gây thiếu máu.

- Suy dinh dưỡng.

- Phình đại tràng.

- Viêm khớp.

- Viêm mắt.

- Ung thư đại tràng…

Thuốc điều trị

Hiện nay, y học vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh VLĐT. Các thuốc được sử dụng chỉ để làm giảm các triệu chứng và kéo dài thời gian thuyên giảm bệnh. Sau đây là các thuốc thường được sử dụng trong điều trị VLĐT:

Nhóm thuốc aminosalicylat (sulfasalazin, mesalazin, olsalazin…): nhóm thuốc này có tính kháng viêm đường tiêu hóa, được sử dụng điều trị VLĐT ở mức độ nhẹ.

Cần lưu ý: không được sử dụng nhóm thuốc aminosalicylat trong các trường hợp sau:

- Người bị dị ứng với thành phần của thuốc.

- Người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.

- Trẻ em dưới 2 tuổi (vì gây ra vàng da).

- Suy gan, suy thận…

Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, dexamethason, betamethason...): nhóm thuốc này là những thuốc kháng viêm có tác dụng toàn thân, được sử dụng điều trị VLĐT ở mức độ trung bình hay nặng.

Cần lưu ý: không được sử dụng nhóm thuốc corticosteroid  với người bị viêm loét dạ dày - tá tràng, cao huyết áp, đái tháo đường…

Nhóm thuốc ức chế miễn dịch (azathioprin, ciclosporin, infliximab...): nhóm thuốc này được sử dụng khi các nhóm thuốc trên không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn.

Cần lưu ý: không được sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch trong các trường hợp sau:

- Dị ứng với thành phần của thuốc.

- Phụ nữ có thai hay đang cho con bú.

- Thận trọng với các trường hợp thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

- Suy gan, suy thận…

Nhóm thuốc chống tiêu chảy (loperamid, diphenoxylat…): nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột nên được sử dụng điều trị tiêu chảy do VLĐT gây ra.

Thuốc giảm đau, hạ sốt: acetaminophen (paracetamol) là thuốc thường được chọn lựa để làm giảm triệu chứng đau, sốt. Nên tránh sử dụng nhóm thuốc non - steroid (ibuprofen, diclophenac…) vì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của VLĐT.

Nhóm thuốc kháng sinh: metronidazole và ciprofloxacin là hai loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng của VLĐT.

Bổ sung sắt và vitamin B12: bổ sung sắt và vitamin B12 giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa kéo dài.

Các thuốc trên thường gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến cơ thể, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa!

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần áp dụng các biện pháp sau đây để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, làm thuyên giảm các triệu chứng và mức độ tái phát bệnh:

Thay đổi lối sống: tránh căng thẳng  hay stress, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao (đi bộ, bơi lội…).

Thay đổi chế độ ăn uống: ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, tránh sử dụng thực phẩm có nhiều gia vị hay các loại thực phẩm làm gia tăng các triệu chứng VLĐT (rượu, cà phê, sôcôla), nên chia bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ và uống nhiều nước…

SKĐS


Tác giả: SKĐS