Trầm cảm dùng để mô tả một hội chứng bệnh lý được đặc trưng bởi khí sắc trầm ( cảm xúc buồn bã) cùng với một số triệu chứng khác duy trì trong một khoảng thời gian kéo dài trên 2 tuần.
Xem hình
Ảnh minh họa

Trầm cảm được xem như là một trong số các loại bệnh gây tàn phế nặng nề nhất trên thế giới. Tần suất của trầm cảm thay đổi theo từng quốc gia, nhưng các triệu chứng và hội chứng trầm cảm sẽ gặp trong 6% dân số chung. Trầm cảm nếu không được điều trị sẽ dẫn đến hậu quả là chất lượng cuộc sống giảm, hạn chế khả năng làm việc cũng như sinh hoạt hàng ngày, làm cho các bệnh đa khoa khác nặng hơn, diễn biến xấu nhất của bệnh trầm cảm là ý tưởng và hành vi tự sát.Trong năm 2000, trầm cảm là 1 trong 4 bệnh gây tổn hại hàng đầu và chi phí lớn nhất không kể tử vong. Dự kiến đến năm 2020 trầm cảm sẽ là nguyên nhân tàn phế đứng thứ nhì đối với nhân dân ở mọi lứa tuổi.  

         Tỷ lệ trầm cảm đặc biệt cao ở những người bị bệnh nội khoa

Bệnh lý đa khoa

Tần suất trầm cảm

Các triệu chứng đau mãn tính

50%

Bệnh Parkinson

50%

Ung thư

20-40%

Tai biến mạch máu não

25-35%

Bệnh tuyến giáp

20-30%

Động kinh

20-30%

Bệnh tim mạch

15-25%

Bệnh thận

20%

Bệnh gan mật

15%

Đái tháo đường

15%


      Các triệu chứng của trầm cảm theo Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10(Mã F32)
        *Các triệu chứng chủ yếu của trầm cảm
Khí sắc trầm
Mất quan tâm và thích thú
Mất sinh lực, dễ mệt mỏi

         *Các triệu chứng khác của trầm cảm
Giảm khả năng tập trung và chú ý
Giảm sự tự tin và quí trọng bản thân
Ý tưởng có tội và vô giá trị
Bi quan về tương lai
Ý tưởng hay hành vi tự sát hoặc tự huỷ hoại
Rối loạn giấc ngủ
Giảm cảm giác ngon miệng

        *Các triệu chứng khác trong trầm cảm
Mất quan tâm thích thú với các hoạt động mà mình ưa thích
Không có cảm xúc với các sự kiện, môi trường vui vẻ xung quanh
Dạy sớm hơn
Trạng thái tinh thần rất xấu vào buổi sáng
Có sự bồn chồn bất an hoặc trì trệ tinh thần.
Ăn không ngon,
Sụt cân,
Giảm hoặc mất ham muốn tình dục.

       *Các triệu chứng cơ thể và tâm thần khác có thể gặp
Lo âu, ám ảnh
Giảm trí nhớ
Giảm khả năng tập trung và chú ý
Nhức đầu
Các hình thức đau nhức khác như đau ngực đau lưng, đau cơ bắp
Ngứa
Khô da
Thị lực yếu
Nhịp tim nhanh, hồi hộp, trống ngực
Táo bón
Phần lớn người bệnh trầm cảm có kèm theo các triệu chứng lo âu. Sự phối hợp giữa lo âu và trầm cảm có thể xem như là một qui luật, nó làm cho diến biến trầm cảm trở nên mãn tính hơn và người bệnh bị suy giảm về mặt chức năng nhiều hơn, có nguy cơ tự tử cao hơn.
Trong thực hành lâm sàng tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu đa khoa hoặc nội khoa nhiều người bệnh trầm cảm đã bị bỏ sót. Đó là vì các triệu chứng trầm cảm không điển hình hoặc các triệu chứng trầm cảm bị che lấp, giống các triệu chứng bệnh nội khoa khác. Các BS tâm thần gọi đó là dạng trầm cảm che giấu, trầm cảm ẩn.

              Các triệu chứng thường gặp của trầm cảm che giấu
Rối loạn giấc ngủ
Đau nhức mơ hồ
Đau đầu
Đau lưng, đau giống đau thần kinh
Rối loạn hô hấp như khó thở, hụt hơi…
Rối loạn tim mạch như đau hay cảm giác khó chịu vùng quanh tim, hồi hộp, trống ngực…
Rối loạn đường tiêu hoá như đau, ăn không tiêu, khó chịu thượng vị, đại tràng hoặc ỉa chảy, táo bón kéo dài…
Nhiều lần khám nội khoa, làm rất nhiều xét nghiệm mà thày thuốc không tìm thấy một nguyên nhân thực tổn nào ở những người bệnh này.

                Nguyên nhân gây ra trầm cảm
Theo các chuyên gia SKTT nguyên nhân gây ra trầm cảm có thể là:
-Yếu tố di truyền
-Các sang chấn tâm lý (stress) và biến cố trong cuộc sống
-Yếu tố mất cân bằng sinh hoá trong cơ thể do nhiều lý do

               Điều trị bệnh trầm cảm
Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị có thể gây ra các hậu quả trầm trọng cho sức khoẻ người bệnh, ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình và xã hội, làm giảm hoặc mất khả năng lao động, học tập, chất lượng cuộc sống, nghiêm trọng nhất là tử vong do tự sát.
                 Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm
Một số thông tin có liên quan đến việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm:
-         Trầm cảm là một bệnh tương đối phổ biến và hoàn toàn có thể chữa trị được
-         Thuốc chống trầm cảm là một phương pháp hữu hiệu để điều trị, tuy nhiên tất cả các thuốc chống trầm cảm đều có tác dụng rõ rệt chỉ sau 2-4 tuần điều trị. Thời gian điều trị phải liên tục từ 4-6 tháng hoặc lâu hơn nữa tuỳ theo đáp ứng của từng người bệnh.
-         Phải liên tục uống thuốc đúng liều, đúng thời gian và đúng thuốc bác sỹ đã chỉ định. Chỉ ngưng thuốc khi có ý kiến của BS. Điều này giúp cho bệnh thuyên giảm và khỏi, tránh tái phát.
-         Cần đến khám bác sỹ đều đặn và đúng hẹn ngay cả khi bệnh thuyên giảm hoặc khỏi.
-         Việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm không gây nên sự lệ thuộc vào thuốc tuy nhiên người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng thuốc.
Trị liệu tâm lý:
-         Tâm lý cá nhân, nhóm của các CB chuyên môn, tâm lý lâm sàng.
-         Tâm lý hỗ trợ, nâng đỡ chia sẻ, động viên của gia đình, bạn bè.
-         Thư giãn, luyện tập, nỗ lực cố gắng, kiên trì của bản thân chống lại bệnh tật.

 

Đỗ Lan (ngồn SKĐS)