Nhiễm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, dễ lây lan, gây tổn thương não, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.

Tác nhân gây bệnh và triệu chứng lâm sàng của bệnh não mô cầu

 

Vi trùng não mô cầu khi thâm nhập cơ thể có thể đi đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây bệnh ở đó. Não mô cầu có nhiều thể bệnh như viêm họng do não mô cầu, nhiễm trùng huyết do não mô cầu, viêm màng não do não mô cầu... Ở mỗi thể khác nhau, triệu chứng của người bệnh cũng biểu hiện khác nhau. Thể thường gặp nhất của bệnh là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ.

 

Não mô cầu hay còn gọi là màng não cầu, có thể gây trên người nhiều bệnh cảnh khác nhau, riêng rẽ từng cơ quan hay phối hợp tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, sinh dục, tiết niệu… trong đó nặng nhất là nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ. 

 

Nguyên nhân gây bệnh não mô cầu: là do 1 loại vi khuẩn thuộc nhóm vi khuẩn tên là Neisseria Meningitidis gây ra. Bệnh phát triển vào mùa đông, mùa xuân và đầu hè vì thời điểm này thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn. Vi khuẩn cư trú tại vùng hầu họng của người, lây truyền theo các giọt nước bài tiết qua đường hô hấp, có thể lây trực tiếp qua tiếp xúc gần, hay gián tiếp qua đồ dùng có nhiễm chất tiết của đường hô hấp của người mang trùng.

 

Về triệu chứng: Tùy theo cơ quan nhiễm bệnh mà có các triệu chứng khác nhau như ở phổi gây viêm phổi, ở khớp gây viêm khớp đau khớp, ở màng ngoài tim gây khó thở, tràn dịch màng tim, ở thanh quản gây khó nuốt, nói nghẹn, suy hô hấp… Nhưng tựu chung, bao giờ bệnh cũng khởi đầu là viêm mũi họng thông thường, trẻ ho sốt nhẹ, viêm chảy mũi, họng đỏ, sau đó nếu nhiễm trùng huyết do não mô cầu bệnh nhân sẽ sốt cao đột ngột từ 39-49 độ C, ớn lạnh, rét run, nhức đầu, nôn ói, đau khớp, hoặc đau cơ, đặc biệt đau sống lưng hoặc hai chân. Qua thăm khám, thấy bệnh nhân da tái, nhiễm trùng, gan lách có thể to. Đặc biệt, ở trẻ em trên da có tử ban, xuất hiện khoảng 75% các trường hợp nhiễm não mô cầu. Sau khi trẻ sốt từ 1-2 ngày, tử ban xuất hiện có đặc điểm màu đỏ hoặc tím sẫm, bờ không tròn đều, kích thước từ 1-2mm đến vài cm, bề mặt phẳng không gồ, có hoại tử vùng trung tâm. Vị trí của tử ban có thể khắp người nhưng nhiều nhất ở vùng nách, hông, quanh các khớp, đôi khi có dạng bỏng nước hoặc lan rộng như hình bản đồ. Kích thước của tử ban có giá trị tiên lượng bệnh, ngoài ra những trường hợp nặng đối với trẻ có thể gây sốc nhiễm trùng. Tuy nhiên, viêm màng não do não mô cầu ít có dấu hiệu co giật hoặc biểu hiện thần kinh khu trú như những viêm màng não mủ do nguyên nhân khác. Xét nghiệm bệnh nhân bao giờ cũng có tình trạng nhiễm trùng như BC tăng, CRP tăng, có thể cấy máu, cấy dịch não tủy, soi tươi phết tử ban, có thể thấy vi khuẩn não mô cầu. 

 

Các di chứng có thể gặp khi nhiễm não mô cầu

 

Nếu nhiễm não mô cầu ở cơ quan kém quan trọng sẽ thoáng qua và nhẹ nhàng như viêm mũi họng do não mô cầu, hoặc viêm đường tiểu, nhưng sẽ nghiêm trọng khi nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ. Nặng nhất ở thể tối cấp trẻ sẽ tử vong, đặc biệt là tử vong trong vòng 24 giờ. Nếu sốc có thể gây tắc mạch hoại tử da, hoại tử chi làm cho trẻ tàn tật. Đặc biệt, nếu viêm màng não mủ điều trị không kịp thời trẻ có thể bị di chứng lâu dài như bại não, suy giảm trí tuệ, chậm phát triển tinh thần và vận động.

 

Biện pháp điều trị và dự phòng nhiễm não mô cầu

 

Điều trị, trước khi có kháng sinh tỷ lệ tử vong do nhiễm não mô cầu là 80-90%, từ khi có kháng sinh tỷ lệ tử vong tuy đã giảm những vẫn còn khoảng trên dưới 10%, đây là con số khá lớn, do vậy chúng ta đặc biệt lưu ý và cảnh giác với căn bệnh này. Kháng sinh dùng cho điều trị bệnh não mô cầu đến nay vẫn là nhóm Betalactam như Penicilin G. Đây là kháng sinh đặc hiệu với não mô cầu, còn trường hợp nặng chúng ta sử dụng nhóm cefalosporin III. Ngoài ra, tùy theo các trường hợp cụ thể ta phải điều trị bổ sung như viêm màng não mủ phải chú ý chống phù não, sốc nhiễm trùng phải chống sốc, đông máu nội quản rải rác phải điều trị đông máu nội quản rải rác.

 

Phòng bệnh chia làm 3 nhóm:

 

Phòng bệnh chung: ngăn ngừa lây lan qua đường hô hấp như phân tán nhỏ những đám đông người, không tham gia tụ tập đông người khi không cần thiết. Ở trường hợp đặc biệt với các cháu ngủ tập thể khoảng cách giữa các cháu khi ngủ khoảng 1,5m là an toàn. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, xúc miệng họng bằng thuốc sát khuẩn ngày 3 lần, thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi học tập.

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh: để chủ động phòng bệnh não mô cầu, người dân nên tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Chú ý là sau tiêm 10 ngày cơ thể có miễn dịch đề kháng với não mô cầu, sau 3 năm miễn dịch dần dần giảm tác dụng và phải tiêm mũi 2. Đối tượng tiêm là trẻ từ 2-5 tuổi, thanh niên dưới 20 tuổi, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, hoặc những người chuẩn bị du lịch đến nơi có nguy cơ xuất hiện dịch não mô cầu.

 

Phòng bệnh với người tiếp xúc với người bệnh nhiễm não mô cầu: thường trong vòng một tuần sau khi tiếp xúc với người bệnh bị mắc não mô cầu phải uống thuốc dự phòng. Sử dụng thuốc dự phòng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24h sau khi có chẩn đoán xác định ca bệnh có liên quan cho những người tiếp xúc gần, sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, nếu không có kháng sinh đồ, sử dụng một trong các loại kháng sinh: Ciprofloxacin, Rifampicin, Azithromycin.

Tác giả: TT TTGDSK