Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em...
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ đuối nước đối với trẻ em. Để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung trọng tâm sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030; Văn bản số 306/UBND-VP6 ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Văn bản số 930/UBND-VP6 ngày 01/12/2022 triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030; Văn bản số 684/UBND-VP6 ngày 02/9/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Công điện số 779/CĐ-TTg ngày 02/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 98/UKH-UBND ngày 16/5/2024 của UBND tỉnh triển khai tháng hành động vì trẻ em năm 2024; Văn bản số 560/UBND-VP6 ngày 24/6/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 và việc quản lý trẻ em, học sinh trong dịp hè.
Tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống đuối nước trẻ em bằng các hình thức cụ thể, thiết thực như: tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; in và cấp phát tờ rơi, tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, cộng tác viên của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; kiến thức, kỹ năng về trông giữ, giám sát trẻ; tổ chức các lớp dạy bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; kỹ thuật sơ, cấp cứu khi trẻ bị đuối nước;…
Khẩn trương tổ chức rà soát các nguy cơ có thể gây đuối nước cho trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng (bể nước, bể bơi, ao, hồ, sông, suối, nắp cống, nắp giếng…) để triển khai các biện pháp khắc phục, loại bỏ như: cắm biển báo tại nơi nước sâu, nguy hiểm, rào ao, lấp các hố nước, làm nắp cống, nắp giếng…; tạo môi trường an toàn, ngăn không cho trẻ tiếp cận với môi trường nguy hiểm.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền về việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại cơ sở dịch vụ có bể bơi; các cơ sở du lịch có ao, hồ, sông, suối, có dịch vụ thuyền chở khách tham quan; các bến thuyền, bến đò, bến phà giao thông đường thủy...; kiên quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi phạm (nếu có).
Diệu Thúy