Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, đội ngũ y, bác sỹ cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả, đặc biệt là nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ nguồn bệnh và người mắc bệnh. Ngành Y tế Ninh Bình nói chung, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nói riêng rất cần được trang bị đầy đủ phương tiện, đồ dùng bảo hộ, để vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống lây nhiễm bệnh, vừa yên tâm, thêm sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ.
Từ ngày 18/3, tại cổng chính (cổng số 1), Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bố trí nhân lực trực 24/24h, chia làm 4 ca để dừng phương tiện, con người, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, điều tra dịch tễ đối với người đến thăm, khám, chữa bệnh tại Bệnh viện, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc yếu tố dịch tễ liên quan đến đi/đến/ở/về từ vùng dịch, để phân luồng hướng đi đến khu khám sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ, đảm bảo tốt việc sàng lọc, phân luồng, kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, qua đó đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Tại đây, các nhân viên y tế cũng được trang bị đồ bảo hộ kín, bệnh nhân, người nhà, khách đến thăm cũng được hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, sử dụng cồn sát khuẩn tay.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi đang cách ly, điều trị cho 9 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 được đưa đến từ các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Có kinh nghiệm từ việc điều trị thành công và xuất viện cho ca bệnh thứ 18, đã xuất viện ngày 20/3/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, con người để làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Ngoài chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị bảo hộ y tế, khẩu trang, quần áo, kính chuyên dụng... cho đội ngũ nhân viên y tế, Bệnh viện còn lắp đặt riêng hệ thống camera giám sát tại các phòng bệnh và được cách ly hoàn toàn. Các camera này được nối với 2 màn hình lớn tại phòng hành chính của khoa Truyền nhiễm, giúp các bác sĩ, điều dưỡng giám sát, theo dõi các ca bệnh từ xa để có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát sinh các tình huống. Cùng với đó, tại khu điều trị được thiết lập một vùng đệm, bảo đảm an toàn, không lây nhiễm chéo trong bệnh viện, vận hành theo quy trình một chiều, đi từ vùng nghi ngờ ra vùng đệm để xử lý khử trùng...
Bác sỹ Quách Thị Tuyết, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối với những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, mỗi ngày, vào khu điều trị đều phải mặc trang phục bảo hộ chuyên dụng từ đầu tới chân, kiểm tra an toàn mới đi vào. Tất cả nhân viên y tế đều được tập huấn kỹ về công tác y tế trong theo dõi điều trị cho các bệnh nhân. Chúng tôi hiểu rõ đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh rất có thể xảy ra, nhưng đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng luôn nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ, thực hiện đúng quy trình chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, quyết tâm không để vi rút lây nhiễm ra ngoài, lây nhiễm cho nhân viên y tế và không lây nhiễm chéo trong bệnh viện...
Bác sỹ Phạm Trung Mạnh, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ thay phiên nhau vào tiếp xúc với các bệnh nhân, thực hiện các nhiệm vụ, từ khám, đo huyết áp, điều trị, đưa thức ăn, lấy mẫu máu... Cùng với đó nắm bắt diễn biến tâm lý từng người bệnh để quan tâm, thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần, giữ vững tâm lý cho bệnh nhân, giúp người bệnh yên tâm điều trị. Mỗi lần ra - vào đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ bảo hộ để khống chế, loại trừ việc lây nhiễm. “Chúng tôi động viên nhau, với trách nhiệm của người bác sĩ cứu chữa người bệnh nên phải nỗ lực, cố gắng, đặc biệt là thực hiện nghiêm quy trình chuyên môn để không lây nhiễm bệnh cho mình và mọi người. Anh em đồng nghiệp ở Khoa Truyền nhiễm, có những người đã hàng tháng nay không được về nhà, cách ly điều trị hết ca bệnh này đến ca bệnh khác, rồi thực hiện tự cách ly mình với gia đình, cộng đồng. Mặc dù công việc vất vả, điều kiện làm việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng chúng tôi sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, với trách nhiệm và mục tiêu là điều trị khỏi cho người bệnh, tạo sự an tâm, an toàn cho người bệnh và cộng đồng xã hội...”- bác sĩ Phạm Trung Mạnh khẳng định.
Đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để hạn chế và phòng lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế và cộng đồng, Sở Y tế Ninh Bình yêu cầu các đơn vị trong ngành lập “chốt” kiểm tra ngay tại cổng vào cơ quan, đơn vị; thực hiện kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay đối với tất cả cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, người đến liên hệ công tác, người bệnh đến khám, chữa bệnh, người nhà đến thăm thân nhân, lực lượng bảo vệ, nhân viên vệ sinh, nhân viên cung cấp dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khác cho cơ sở y tế, nhằm giảm nguy cơ các nguồn lây từ ngoài vào trong cơ sở y tế. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, tăng cường nhân viên y tế để tổ chức sàng lọc toàn bộ người bệnh đến khám trước khi vào khoa Khám bệnh. Người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19 sẽ được phân luồng tới khu vực khám riêng, đảm bảo các điều kiện cách ly, tuyệt đối không để người bệnh có triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ của bệnh Covid-19 vào chung khu vực chờ khám bệnh với người bệnh khác...