Bidiphar đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, trên diện tích 15.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Ngày 2/12, tại Khu công nghiệp Nhơn Hội, Công ty cổ phần Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) đã tổ chức lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư. Đây là nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư đầu tiên ở Việt Nam.
Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-EU với 2 dạng bào chế là tiêm và viên, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm thuốc tiêm và 70 triệu sản phẩm thuốc viên/năm tại lô A3.01 Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, Bình Định trên diện tích 15.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Đến nay trong lĩnh vực liệu pháp miễn dịch với tế bào CAR-T gần như Việt Nam đã bắt kịp với những tiến bộ của Thế giới vì đã đi thẳng vào ứng dụng mang lại hiệu quả thực tiễn cho bệnh nhân.
Nhà máy được đầu tư những thiết bị hoàn toàn tự động, khép kín và ứng dụng những công nghệ hiện đại của sản xuất dược phẩm như: công nghệ sản xuất thuốc vô trùng, công nghệ cô lập (isolator technology), công nghệ đông khô, công nghệ điều khiển và thu thập dữ liệu tự động (SCADA), công nghệ đóng gói tự động và kiểm soát truy vết (Track and trace).
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay, Việt Nam đã có hơn 200 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; thuốc sản xuất trong nước hiện tại đã đáp ứng hơn 60% nhu cầu điều trị. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân, nhất là khi xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm lớn, như trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bidiphar đã rất đúng đắn khi tập trung nghiên cứu, phát triển các dòng thuốc đặc trị, thuốc có kỹ thuật bào chế tiên tiến, công nghệ hiện đại nhằm thay thế các thuốc hiện đang phải nhập ngoại, góp phần quan trọng để ngành Y tế nước ta chủ động nguồn thuốc có chất lượng cao phục vụ bệnh nhân với mức chi phí hợp lý.
Để sản xuất được dòng thuốc điều trị ung thư và đưa vào sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh, được các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, khoa ung bướu của các bệnh viện trong cả nước tin dùng, Bidiphar đã phải trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển lâu dài và sự đầu tư nguồn lực rất lớn; và cũng có sự hỗ trợ không nhỏ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện, trường Đại học y dược.
Thứ trưởng đề nghị Bidiphar ngoài việc nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Công ty cũng cần tập trung nguồn lực, chủ động đột phá trong lợi thế cạnh tranh từ cây dược liệu của địa phương; phát triển dự án vùng trồng dược liệu, đưa dược liệu thành nguyên liệu đầu vào thông qua công nghệ chiết suất, tinh chế, tiêu chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Cùng ngày, Công ty Bidiphar cũng tổ chức lễ Khởi công Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU. Nhà máy này được xây dựng với diện tích 25.000m2, tổng vốn đầu tư của dự án là 840 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2027 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất các sản phẩm thuốc tiêm với công suất 120 triệu sản phẩm/năm.
Diệu Thúy (Nguồn Báo Ninh Bình)