Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh” (Đề án 1816)...
Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh” (Đề án 1816); Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 15/12/2011 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định chế độ đối với cán bộ chuyên môn luân phiên, khám chữa bệnh theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế. Sau khi tổng hợp nhu cầu chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 năm 2024 của các đơn vị, Sở Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 1816 năm 2024 ngành Y tế Ninh Bình. Theo đó mục tiêu của Kế hoạch nhằm: Tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện Đề án toàn diện, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh nhận cán bộ luân phiên từ các bệnh viện tuyến Trung ương và cử cán bộ luân phiên về hỗ trợ các Bệnh viện đa khoa/Trung tâm y tế tuyến huyện, các Bệnh viện đa khoa/TTYT tuyến huyện nhận cán bộ luân phiên từ các bệnh viện tuyến tỉnh và cử cán bộ về hỗ trợ các Phòng khám đa khoa khu vực và Trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã); duy trì và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh của các đơn vị tuyến dưới, đảm bảo tính bền vững và khả thi của Đề án. Trong đó, mục tiêu cụ thể như sau: 100% các bệnh viện tổ chức tốt việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật bệnh viện tuyến trên và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Tăng cường năng lực của cán bộ tham gia Đề án 1816 thông qua việc chỉ đạo các nội dung hoạt động của Đề án, việc hướng dẫn, đào tạo, tổ chức các hội thảo, tập huấn. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới thông qua việc cử cán bộ từ tuyến trên về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ tuyến dưới. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục mục đích, ý nghĩa Đề án 1816. 100% các kỹ thuật chuyển giao được thực hiện tốt và bền vững tại các đơn vị tiếp nhận.
Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: Quán triệt, phổ biến rộng rãi mục tiêu, ý nghĩa của Đề án tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai. Tăng cường các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền tại cộng đồng: xây dựng trang tin về Đề án lên Website của ngành, thường xuyên đưa tin, bài và ảnh về các hoạt động của Đề án trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Bản tin y tế Ninh Bình.
Triển khai các hoạt động tiếp nhận cán bộ tuyến trung ương luân phiên về hỗ trợ tuyến tỉnh: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình hoạt động chuyên môn của các đơn vị, xác định nhu cầu về các lĩnh vực chuyên môn cần tiếp nhận, xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức ký hợp đồng chuyển giao gói kỹ thuật giữa các đơn vị tuyến tỉnh và trung ương, đảm bảo tiếp nhận và chuyển giao đạt hiệu quả. Bổ sung nhân lực, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp cở sở vật chất, điều kiện làm việc để sẵn sàng cho việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Rút kinh nghiệm việc triển khai các hoạt động chuyển giao của các năm trước, nhân rộng các mô hình chuyển giao đạt hiệu quả. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa tuyến trên và tuyến dưới, tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi kết hợp lồng ghép các hoạt động giữa 2 Đề án: 1816 và Bệnh viện vệ tinh.
Triển khai các hoạt động luân phiên giữa các đơn vị trong tỉnh: Các bệnh viện tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức việc cử cán bộ luân phiên về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên cơ sở khảo sát thực trạng nhân lực, trang thiết bị và nhu cầu chuyển giao, ưu tiên các huyện còn khó khăn về nhân lực. Bên cạnh việc cử cán bộ chuyên môn về hỗ trợ tuyến dưới, các bệnh viện tuyến tỉnh còn phải sẵn sàng cử cán bộ hỗ trợ nhau khi có nhu cầu về chuyên khoa. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trung tâm y tế có chức năng điều trị xây dựng kế hoạch, triển khai việc tiếp nhận cán bộ từ các đơn vị tuyến tỉnh, đồng thời cử cán bộ về hỗ trợ tuyến phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, ưu tiên những xã miền núi, vùng cao và ven biển, những xã chưa có bác sĩ. Thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình, thực trạng các chuyên ngành, chuyên khoa của các đơn vị, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Tăng cường các hoạt động giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ đi luân phiên, đảm bảo tính hiệu quả của Đề án. Tổ chức các hoạt động giao ban định kỳ, sơ kết, tổng kết theo kế hoạch.
Diệu Thúy