Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 5/1/2023, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, UBTVQH nhận thấy, có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBTVQH, Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Các quy định của dự thảo Luật được rà soát kỹ lưỡng, nhiều lần. Các vấn đề lớn, vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị tại các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến và cơ bản nhận được sự đồng thuận.
Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra, đó là, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
Tại Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã nêu lên một số nội dung lớn và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo .
Thứ nhất, về Hội đồng Y khoa quốc gia: Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định cụ thể hơn về Hội đồng Y khoa quốc gia, về mô hình, tổ chức, địa vị pháp lý; có ý kiến cho rằng Hội đồng Y khoa quốc gia nên do Bộ Y tế thành lập; ý kiến khác đề nghị Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa quốc gia; có ý kiến đề nghị cung cấp kinh nghiệm quốc tế về Hội đồng này.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Hội đồng với cơ quan quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, với đơn vị tham gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, nhân lực thực hiện các nhiệm vụ và cơ chế tài chính, năng lực của Hội đồng Y khoa.
Đồng thời, ĐBQH cho rằng, nếu chỉ để Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc tập trung một đầu mối gây ùn ứ, chậm có kết quả, do đó, đề xuất giao việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trường đào tạo y khoa, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng đào tạo; công tác tổ chức thi đánh giá năng lực cần thuận tiện cho người đăng ký.
ĐBQH cũng đề nghị cân nhắc quy định lộ trình để Hội đồng Y khoa quốc gia sớm thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.
Thứ hai, về thời hạn của giấy phép hành nghề: Có ý kiến ĐBQH cho rằng, nên quy định ở khoản 1 là "Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Thời hạn có giá trị chỉ có 05 năm" sau đó cấp lại, gia hạn thì cũng là 05 năm; đề nghị có thể kéo dài ra 10 năm; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thêm quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề (5 năm) và cho rằng, việc có vi phạm và không cập nhật kiến thức y khoa liên tục sẽ thu hồi, như vậy là cũng có thời hạn; có ý kiến cho rằng việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề là bước "thụt lùi".
Thứ ba, về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh: ĐBQH đề nghị làm rõ nguyên tắc vận hành hệ thống cơ sở theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, mối quan hệ và sự kết nối giữa các cấp, hạng bệnh viện, quan hệ giữa công và tư; liệu trong một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể có cả 3 cấp hay từng cấp riêng biệt; đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh cấp chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo sự ổn định của hệ thống y tế như hiện nay và nên giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
ĐBQH cũng đề nghị bổ sung định nghĩa về "cấp chuyên môn kỹ thuật" trong điều giải thích từ ngữ; đề nghị bổ sung nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó quy hoạch, phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa, được chữa bệnh đúng cấp.
Có ý kiến băn khoăn hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng công an không đầy đủ các tuyến như dân sự nên nếu khi phân chia thành 03 cấp chuyên môn sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán bảo hiểm y tế; Có ý kiến cho rằng, quy định một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được xếp vào một cấp chuyên môn sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
Thứ tư, về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh: ĐBQH đề nghị bổ sung điểm B khoản 2 nội dung khám sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng, điều trị phù hợp với bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và hấp thu, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị; có ý kiến cho rằng, cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng trong chỉ định chế độ dinh dưỡng để điều trị phù hợp trong bệnh lý vào khoản 1, khoản 2.
Có ý kiến ĐBQH không nhất trí với quy định tại Điều này, đề nghị quan tâm tạo cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng), đây cũng là kiến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị xem xét quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em; có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm "sản phẩm dinh dưỡng" trong giải thích từ ngữ, bổ sung quy định về danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị và giao cho Chính phủ quy định chi tiết; đề nghị đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bên có liên quan để tạo sự thống nhất cao về tính phù hợp của việc quy định sản phẩm, không quy định sản phẩm dinh dưỡng điều trị trong dự thảo Luật nếu chưa có căn cứ vững chắc.
Thứ năm, về tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
Về ngân sách nhà nước chi cho khám bệnh, chữa bệnh: ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật về việc nguồn ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ mà cần được dành để chi cho việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng và ngân sách nhà nước; Có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc bỏ khoản 5 "các khoản chi khác theo quy định của pháp luật" vì các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 đã quy định bao quát các nội dung chi ngân sách cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, nếu còn nội dung khác cần quy định rõ hơn trong Luật.
Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước: Có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện; ý kiến khác đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện; Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét tính khả thi của cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cần quy định việc tự chủ nhưng đồng thời bảo đảm chất lượng trong dịch vụ y tế.
Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hình thức mượn tài sản, mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế; ĐBQH đề nghị quy định rõ ưu tiên đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa; ý kiến khác đề nghị khoản 1, khoản 2 nên đưa về Điều 4 là chính sách của Nhà nước; có ý kiến cho rằng cần quy định tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phải thành tài sản công, nếu không sẽ không quản lý được; quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động đầu tư.
Bên cạnh đó, ĐBQH cho rằng, vấn đề rất quan trọng thuộc xã hội hóa, đó là thành lập quỹ khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên lại đưa ra khỏi khung thuộc nội dung của xã hội hóa; Có ý kiến đề nghị giải quyết vấn đề bất cập trong thực tiễn khi tư nhân cung cấp trang thiết bị cùng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước hợp tác thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm hài hòa giữa các bên nhà nước - tư nhân - người bệnh.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Có ý kiến ĐBQH cho rằng, quy định của dự thảo Luật không mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế, chưa thể hiện vai trò quản lý nhà nước về giá khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế; đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá; đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, như là về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo, v.v.
Bên cạnh đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần cân nhắc quy định tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện công lập và tư nhân...
Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh: Có ý kiến ĐBQH cho rằng, quy định tại điểm A và B khoản 2 chưa nêu rõ quy định về cơ chế tổ chức hoạt động, đề nghị cần cụ thể hóa hơn về cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ sáu, về quy trình, thủ tục hành chính quy định tại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này chưa thể hiện rõ về cải cách thủ tục hành chính, đề nghị rà soát lại.
Kim Thoa (Nguồn SKĐS)