Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, 4 loại vaccine quan trọng sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2021-2030.
Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã miễn phí 10 loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc bổ sung thêm 4 loại vaccine mới sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.
Cụ thể, 4 loại vaccine gồm: Vaccine phòng bệnh do virus Rota nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tiêu chảy do rotavirus, nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng ở trẻ em; vaccine phòng bệnh do phế cầu (PCV), ngăn ngừa bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn phế cầu; vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung (HPV), giúp phụ nữ khỏi virus HPV, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và vaccine phòng bệnh cúm mùa.
Theo đó, vaccine phòng cúm mùa dự kiến triển khai từ năm 2030 tại 20 tỉnh, thành phố; vaccine phế cầu bắt đầu thí điểm trong năm 2025 tại 5 tỉnh, thành phố và mở rộng triển khai ở các tỉnh vào năm 2030; vaccine Rota đang được triển khai thí điểm ở một số tỉnh và dự kiến triển khai trên cả nước đến hết năm 2024.
Vaccine HPV hiện giá tiêm dịch vụ khoảng 2,9 triệu đồng/mũi, bé gái tiêm 2-3 mũi tùy theo độ tuổi. Bộ Y tế cho biết, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung sẽ bắt đầu triển khai trong tiêm chủng mở rộng năm 2026 miễn phí cho trẻ em gái độ tuổi 11.
Với vaccine HPV, hiện tại, Bộ Y tế đã mở rộng chỉ định tiêm vaccine ngừa HPV cho người 27-45 tuổi, áp dụng từ ngày 10-5. Theo đó, thay vì giới hạn 9-26 tuổi như trước, Bộ Y tế cho phép người từ 27 đến 45 tuổi có thể tiêm vaccine HPV, không bắt buộc phải có sự tham vấn y khoa.
Diệu Thúy (Tổng hợp)