Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân, những năm qua, ngành y tế tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt được một số thành tựu đáng kể.
Tính đến 30/6/2022, toàn ngành có 3.920 công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (trong đó số nữ là 2.331 chiếm tỷ lệ59,5%). Cơ cấu, chất lượng nhân lực toàn ngành Y tế trong những năm qua có sự thay đổi rõ rệt theo chiều hướng phát triển: theo ngạch/chức danh nghề nghiệp: 03 hạng I và tương đương; 144 hạng II và tương đương; 1.498 hạng III và tương đương; 1.933 hạng IV và tương đương; còn lại 342; theo trình độ chuyên môn: 03 tiến sĩ; 60 CKII; 05 bác sĩ nội trú; 194 thạc sĩ; 272 CKI; 1.553 đại học; 905 cao đẳng; 783 trung cấp; còn lại: 145. Có 561 người có trình độ LLCT từ trung cấp trở lên; 684 người có trình độ quản lý nhà nước chuyên viên trở lên;
Các chỉ số cơ bản về nhân lực y tế: Tổng số cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên là 1.731 người (chiếm 52,1% so với tổng cán bộ y tế); Tổng số cán bộ y tế có trình độ sau đại học là 423 người (chiếm 24,4% so với tổng số cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên); Tổng số bác sĩ 864 người (chiếm 22,04% so với tổng số cán bộ); Tổng số dược sĩ đại học 89 người (trong đó tỷ số dược sĩ đại học/ bác sĩ 0,103; tỷ số dược sĩ đại học, dược sĩ cao đẳng, trung học 0,39); Tổng số điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y 1.551 người (trong đó tỷ số "tổng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, bác sĩ 1,79);
Tuy nhiên, dù đã đạt chỉ tiêu bác sĩ/100.000 dân theo Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, cơ bản được khắc phục tình trạng mất cân đối, thiếu hụt bác sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, nhất là tuyến xã (trong đó có đóng góp rất lớn của chương trình đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng, cử tuyển và thực hiện chính sách thu hút của tỉnh), nhưng nhìn chung nhân lực y tế vẫn chưa hợp lý cả về cơ cấu và chất lượng (tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ sau đại học, tổng cán bộ y tế còn thấp; tỷ lệ "tổng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y"/ bác sĩ mới đạt 1,79; thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn...).
Bà Phạm Thị Phương Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Tình trạng mất cân đối trong phân bố nhân lực Y tế là tình trạng chung của cả nước, trong đó có Ninh Bình. Đặc biệt là trong những năm qua, mô hình tổ chức hệ thống y tế thiếu sự ổn định, phải sắp xếp lại theo các quy định của Chính phủ gây áp lực rất lớn trong việc xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống y tế, quy hoạch hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Y tế, kế hoạch đào tạo, phát triển
nhân lực y tế, cũng như trong công tác bố trí, xắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân lực,nhất là nhân lực làm việc tại các bộ phận hỗ trợ, phục vụ (lái xe, kế toán, hành chính,văn thư...). Nhằm từng bước khắc phục tình trạng trên, ngành Y tế đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế, đào tạo, sắp xếp lại đội ngũ phù hợp với vị trí việc làm và trình độ chuyên môn; thực hiện tuyển dụng, bổ sung nhân lực phù hợp...”.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngành Y tế Ninh Bình đã áp dụng hiệu quả chính sách thu hút bác sĩ,dược sĩ về công tác tại Ninh Bình; đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Y tế, đặc biệt là đào tạo sau đại học, đào tạo theo các gói kỹ thuật từ cơ bản đến các chuyên khoa sâu, chuyên khoa mũi nhọn; quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP rất khó áp dụng trong thực tế do tiêu chuẩn đối với nhân lực y tế quá cao1. Do vậy, ngành Y tế Ninh Bình chưa tuyển dụng thu hút được trường hợp nào theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Cũng theo Bà Phạm Thị Phương Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế: “ Vấn đề đặt hàng đào tạo nhân lực y tế giữa cơ sở y tế với đơn vị đào tạo là một giải pháp rất hiệu quả; thực tế trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2019, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị đào tạo (Trường Đại học Y- Dược Thái Nguyên, Trường Đại học Y- Dược Thái Bình, Trường Đại học Y- Dược Hải Phòng, Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) đào tạo 166 bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng, 33 bác sĩ, dược sĩ cử tuyển góp phần quan trọng trong việc bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Y tế, đặc biệt là khắc phục hiệu quả tình trạng mất cân đối, thiếu hụt bác sĩ, dược sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, nhất là tuyến xã”.
Có thể nói vai trò của nguồn nhân lực y tế rất quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để thực hiện mục tiêu đó, cần xây dựng hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng dịch vụ y tế thời đại chuyển đổi số./.
Nguyễn Minh