Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thông báo đã ghi nhận có sự thay đổi của vi-rút cúm A (H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gien vi-rút cúm trên người và gia cầm ở Trung Quốc.
Xem hình

Kết quả nghiên cứu cho thấy vi-rút cúm A (H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết 100% số gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 đến 1.000 lần so với vi-rút có độc lực thấp.

          Hiện chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi-rút cúm A (H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người và WHO cũng chưa khuyến cáo về các thay đổi quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi-rút cúm A (H7N9) ở người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc và những biến đổi độc lực của vi-rút, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ rất cao vi-rút cúm A (H7N9) có thể xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung ngăn chặn hành vi nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường. Tăng cường giám sát phát hiện sớm dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu...

          Người dân cần thực hiện: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; rửa tay bằng xà-phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.