Ngày 20/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025, nhằm khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm.

Quyết định cũng chỉ rõ, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạnh tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác (gọi tắt là bệnh không lây nhiễm) ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước do số người mắc bệnh ngày càng nhiều, gây tàn tật và tử vong cao. Phòng chống các bệnh không lây nhiễm hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh này trong cộng đồng, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải tại các bệnh viện. Phòng chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành y tế là nòng cốt. Yếu tố quyết định đến hiệu quả trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm là kiểm soát được nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dùng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Trước hết phải nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm. Phấn đấu đến năm 2025, 100% UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện chiến lược tại địa phương; 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống các bệnh này;... 

Tiếp đến là giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015;...

Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do bệnh không lây nhiễm bằng cách khống chế tỷ lệ bị thừa cân béo phì dưới 15% ở người trưởng thành, dưới 10% ở trẻ em; khống chế tỷ lệ có cholesterol máu cao (>5,0 mmol/L) dưới 35% ở người trưởng thành; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính so với năm 2015... 

Nâng cao năng lực và hiệu quả dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm với 90% cơ sở y tế dự phòng bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng chống bệnh không lây nhiễm theo quy định; 90% cơ sở y tế xã có đủ trang thiết bị y tế và thuốc cơ bản để dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị và quản lý theo hệ thống các bệnh không lây nhiễm. Về nhân lực, 90% cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm được đào tạo, tập huấn phù hợp với từng chuyên ngành cụ thể.

 

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược nêu rõ cần tăng cường thực thi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng chống bệnh không lây nhiễm; hoàn thiện, bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia để triển khai thực hiện Chiến lược.

 

 Sử dụng mạng lưới thông tin, truyền thông từ Trung ương tới địa phương để tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm. 

 

Đồng thời, tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ Trung ương đến cấp xã trong cả nước; tăng cường phát hiện, điều trị, quản lý tại trạm y tế xã và cộng đồng cho người mắc bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác theo quy định.

 

Củng cố hệ thống cơ sở khám chữa bệnh để cung cấp dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, bảo đảm việc phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và quản lý bệnh nhân được liên tục, lâu dài.

Bên cạnh đó, sắp xếp, bố trí nhân lực các tuyến cho phòng chống các bệnh không lây nhiễm; bổ sung, cập nhật nội dung đào tạo về phòng chống bệnh không lây nhiễm trong các chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học y; chú trọng các chương trình đào tạo bác sĩ gia đình, cử nhân y tế công cộng, cử nhân điều dưỡng và dinh dưỡng tiết chế;... Chú trọng nâng cao năng lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống bệnh không lây nhiễm...Tích cực hợp tác với các quốc gia, các viện, trường và các hiệp hội trong khu vực và trên thế giới trong nghiên cứu, đào tạo để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm…

 

Kim Thoa