Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được thực thi, cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vậy nhưng, chất lượng thực phẩm vẫn đang là mối lo thường trực của toàn xã hội, đe dọa sức khỏe người dân. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa nhằm kiểm soát hiệu quả tình hình.
Xem hình
Trong ảnh: Giết mổ gà theo phương pháp an toàn tại Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam

Xử phạt ngày càng quyết liệt

          Chỉ mấy tháng đầu năm 2017, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, như vụ 81 người ngộ độc sau cỗ cưới ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), hơn 100 học sinh bị ngộ độc phải nhập viện do ăn phải thức ăn không an toàn ở Vĩnh Long, hay vụ bảy người chết do ngộ độc rượu ở Lai Châu... Trước đó, năm 2016 cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.139 người mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong... Ngoài những tác hại nhìn thấy, thực phẩm bẩn và không an toàn đang để lại nhiều mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng.

          Mối nguy hại thấy rõ, nhưng bởi lợi nhuận trước mắt mà có một bộ phận người sản xuất, kinh doanh cố tình đưa chất cấm vào chăn nuôi, hoặc dùng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép trong trồng trọt. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011-2016, kiểm tra hơn 54.700 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm. Thống kê, cả nước hiện có gần 29.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Phần lớn các cơ sở nhỏ lẻ này không đăng ký kinh doanh, cơ sở vật chất không bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm...

          Còn theo báo cáo của Bộ Công thương, toàn quốc hiện có 8.660 chợ, 967 siêu thị và trung tâm thương mại, trong đó có hơn 60% siêu thị có kinh doanh thực phẩm. Hầu hết các chợ kinh doanh thực phẩm không có trang, thiết bị kiểm nghiệm nên chưa kiểm soát được nguồn hàng từ nơi sản xuất, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống; không đáp ứng điều kiện bảo đảm ATTP về hạ tầng.

          Trước thực trạng đó, nhiều năm qua các cấp ngành đã vào cuộc tuyên chiến với thực phẩm bẩn. Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, công an, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Việc áp dụng các chế tài xử phạt cũng đã được đẩy mạnh qua các năm, cụ thể: tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng năm 2011 lên 3,73 triệu đồng năm 2016.

          Cũng trong hai năm 2015-2016, ngành công an, mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính 64, 942 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 5.020 vụ. Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

          Những nguyên nhân bất khả kháng?

          Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ATTP vẫn chưa được kiểm soát tốt trong thời gian qua, theo ý kiến của các chuyên gia, trong đó có những nguyên nhân được cho là bất khả kháng. Ðó là do xuất phát điểm của công tác quản lý ATTP ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, Nhật Bản có quy định về ATTP từ năm 1947, trong khi Việt Nam là năm 2010.

Kinh phí cho công tác quản lý ATTP ở nước ta thực tế còn rất thấp. Kinh phí giai đoạn 2001-2005 chỉ bằng 1/25 của Thái-lan (Thái-lan là 1 USD/người/năm; Việt Nam là 780 đồng/người/năm), giai đoạn 2006-2010 kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm, năm 2014 kinh phí lại bị cắt giảm 60% so với năm 2013. Do vậy giai đoạn 2011-2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm thành phố chi hơn 100.000 đồng/người.

          Vai trò quản lý nhà nước về ATTP (bao gồm cả vấn đề quản lý về quy hoạch, tổ chức sản xuất) theo nhận định của nhiều chuyên gia, là chưa hiệu quả. Việc thanh, kiểm tra về ATTP ở không ít địa phương còn thể hiện sự nương tay khi xử lý các vi phạm, thậm chí chưa xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra vụ việc vi phạm ATTP nghiêm trọng.

          Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Trong khi đó, khâu kiểm soát ATTP, thí dụ như kiểm soát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau xanh, tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm thực tế mới có thể kiểm soát chặt chẽ ở các cơ sở quy mô lớn, chưa thể kiểm soát nổi các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Việc không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm gây khó khăn cho khâu kiểm soát và hậu kiểm.

          Tăng chế tài, chú trọng tuyến cơ sở

          Ðể tình trạng vi phạm ATTP không còn là "quốc nạn", theo quan điểm của nhiều chuyên gia, thì một trong những giải pháp quan trọng là phải sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến ATTP. Cần thiết phải có những quy định về xử lý hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý nhiều lần vẫn tái phạm, quy trách nhiệm đối với người có trách nhiệm khi thấy vi phạm mà không xử lý. Trong tổ chức thực hiện phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ATTP. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục tổ chức lại mối liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Các thành phố lớn, các địa phương trọng điểm đã đến lúc cần có ban chỉ đạo về ATTP để phối hợp tốt hơn, nâng cao trách nhiệm và tổ chức quản lý ATTP, khắc phục các yếu kém hiện nay.

          Tuyến cơ sở, xã, phường chính là đầu mối có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, vì vậy, cần chú trọng tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý của chính quyền, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện kết nối một cửa quốc gia đối với kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, công nhận thừa nhận lẫn nhau với các cơ quan nước ngoài để giảm thiểu việc kiểm tra tại cửa khẩu.

          Chính phủ đang tạo nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao là cơ hội tốt để thay đổi mô hình sản xuất của nền nông nghiệp, góp phần bảo đảm ATTP gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu phù hợp với đặc thù của địa phương. Cùng đó, nên tiến hành mở rộng rà soát hệ thống chính sách để tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Ðó sẽ là giải pháp lâu dài, căn bản bên cạnh việc tăng cường các giải pháp quản lý phần ngọn của chất lượng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.