Trước tình trạng một số bệnh viện buông lỏng quản lý chất thải y tế gây ô nhiễm môi trường trong thời gian gần đây, ngày 6/7/2015, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị số số 05/CT-BYT về việc tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện.
Xem hình

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành cần: tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc lãnh đạo Bộ, ngành ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn; tăng cường phối hợp liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải y tế để bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về quản lý chất thải y tế cho đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Cục Quản lý môi trường y tế để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.

Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành khác và các bệnh viện của địa phương tích cực chỉ đạo triển khai: tăng cường công tác quản lý chất thải y tế của bệnh viện; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; chỉ đạo đơn vị vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý chất thải rắn (nếu có). Định kỳ kiểm tra giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện; đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý để kịp thời khắc phục những sự cố của hệ thống xử lý, báo cáo cơ quan quản lý về môi trường theo quy định. Nếu nước thải y tế sau xử lý không đảm bảo theo QCVN 28:2010/BTNMT hoặc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế của bệnh viện (nếu có) không đảm bảo theo QCVN 02:2012/BTNMT, bệnh viện phải có kế hoạch khắc phục phù hợp để đảm bảo nước thải sau xử lý, khí thải của lò đốt đạt quy chuẩn theo quy định. Trường hợp không tự xử lý chất thải y tế, bệnh viện phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp để thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của pháp luật; giao trách nhiệm chính về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường của bệnh viện cho một khoa, phòng cụ thể; bố trí kinh phí hàng năm cho công tác quản lý, xử lý chất thải y tế; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về cơ quan quản lý cấp trên.


 

TTGDSK