Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virut Dengue gây ra. Bệnh lưu hành ở các nước thuộc khu vực có khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới như Đông nam á, Tây thái bình dương trong đó có Việt Nam. Hàng năm trên thế giới có khoảng 10 triệu người mắc sốt xuất huyết, 90% trong số đó là ở độ tuổi dưới 15. Tỷ lệ tử vong trung bình là 5% tức là mỗi năm có khỏng 240.000 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Xem hình
Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, những năm gần đây số trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách. Xuất phát từ sự nghiêm trọng của dịch bệnh, từ năm 1998, chính phủ đã quyết định đưa dự án phòng chống sốt xuất huyết thành một mục tiêu trong chương trình mục tiêu quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội và dịch bệnh nguy hiểm.

          Bệnh xuất hiện quanh năm ở các tỉnh miền nam và nam trung bộ. ở miền bắc dịch xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Những tháng khác bệnh ít xuất hiện vì thời tiết lạnh, ít mưa, không thích hợp cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.

          Tại Ninh Bình, năm 2009 toàn tỉnh có 42 trường hợp nghi sốt xuất huyết các ca bệnh này đều có yếu tố dịch tễ là những người ở Hà Nội là nơi có dịch sốt xuất huyết trở về địa phương và xuất hiện các biểu hiện bệnh.

          Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là muỗi Aedes aegypty (gọi là muỗi vằn). Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách... Đẻ trứng, sinh sản ở các ao tù, vũng nước đọng hoặc các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn chích hút máu người cả ngày lẫn đêm, khi hút máu của người bị sốt xuất huyết muỗi sẽ mang mầm bệnh và truyền bệnh sang người lành khi bị đốt.

          Đối tượng dễ bị sốt xuất huyết: Mọi người đêù có thể bị bệnh sốt xuất huyết nhưng thường gặp nhất là trẻ em từ 1-15 tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi 3-8 tuổi.

          Người bị mắc bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện sau:

          - Sốt (nóng) cao 39-40oC, đột ngột, liên tục trong 2-7 ngày liền

          - Kèm theo người bệnh đau đầu, đau cơ, đau xương khớp

          - Bệnh diễn biến nặng có biểu hiện xuất huyết thường ở nhiều dạng và nhiều mức độ khác nhau như:

          + Xuất huyết dưới da: là những chấm chấm nhỏ màu đỏ, đốm nhỏ hay vết bầm. Thường ở mặt trước và mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc đám xuất huyết mảng bầm tím.

          + Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, kết mạc, ở phụ nữ có thể thấy kinh nguyệt kéo dài hoặc sớm hơn bình thường.

          + Xuất huyết nội tạng: Nôn hoặc đi ngoài ra máu (dịch nôn có mầu nâu, hoặc đỏ tươi), xuất huyết tiêu hóa nhiều thường là biểu hiện nặng của bệnh.

          - Gan to.

          - Sốc thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, người bệnh có các biểu hiện: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, chân tay lạnh, tiểu ít, mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc kẹt.

          Hiện nay chư­a có thuốc điều trị đặc hiệu và ch­ưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Bệnh có thể gây dịch lớn làm nhiều ngư­ời mắc cùng lúc gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hư­ởng đến sức khoẻ, làm thiệt hại kinh tế xã hội và thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

          Khi có biểu hiện nghi ngờ bị sốt xuất huyết: 

          Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Nếu bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

          - Nằm nghỉ ngơi.

          - Cho uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt. Cho ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.

          - Không cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi trẻ đang sốt, không ăn kiêng, không nhịn uống

          - Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn cho trẻ, không dùng aspirin để hạ sốt), chườm mát.

          - Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.

          Phòng bệnh sốt xuất huyết:

          Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.

          - Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:

          + Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy (lăng quăng).

          + Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

          + Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.

          + Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa.

          - Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

          Phòng chống muỗi đốt:

          - Mặc quần áo dài tay.

          - Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

           - Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...


          - Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

          - Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt.

          - Giữ nếp sống vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp không treo quần áo làm chỗ cho muỗi đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.

 

 

Tác giả: Trung tâm TT GDSK