Với gần 6 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân của bệnh tật và đói nghèo cho các nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số gần 6 triệu ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá trên thế giới, gần 5 triệu là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ lên tới 1 tỷ người.

Tại Việt Nam, hằng năm, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-5 đến 31-5. Năm nay, các nội dung truyền thông trong Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá tập trung theo sát chủ đề của WHO. Mục tiêu nhằm làm rõ những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới vấn đề phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam do việc sử dụng thuốc lá gây ra. Về vấn đề này, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhận định, hiện Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới; trong đó, có 15,3 triệu người trưởng thành đang hút thuốc lá (trung bình 2 nam giới có một người hút thuốc lá). 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên cũng hít phải khói thuốc. Hiện mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 người/năm theo dự báo của WHO.

Thời gian qua, công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá bước đầu được triển khai và có những kết quả đáng khích lệ. Trong công tác tư vấn đó, Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm Tư vấn cai nghiện. Đến nay, đã có hơn 1.500 cán bộ y tế của các bệnh viện ở 63 tỉnh, thành phố được tập huấn về phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá. Sau gần 2 năm triển khai, tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí 1800-6606 tại Bệnh viện Bạch Mai đã nhận 13.596 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện thuốc lá. Bên cạnh tổng đài tư vấn cai nghiện, công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá còn được triển khai tại 10 bệnh viện ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người dân có nhu cầu cai thuốc lá. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được triển khai mạnh mẽ hơn. Cho đến nay, gần 6.000 cán bộ thanh tra, công an các tỉnh, thành phố được tham gia tập huấn về xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Năm 2016, thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra 151 cơ sở tại 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế), xử phạt 16 cơ sở với số tiền 136 triệu đồng. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2017, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra tại 171 cơ sở nhà hàng, khách sạn, phạt 23 đơn vị, với số tiền phạt gần 60 triệu đồng. Các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng cũng đã kiểm tra 62 đơn vị, cơ sở kinh doanh, các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ thuốc lá; phạt 12 đơn vị, với số tiền 30 triệu đồng. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện khu vực cấm hút thuốc tại các cơ quan, công sở, cơ sở y tế, giáo dục, các nơi công cộng.

Hiện tỷ lệ hút thuốc và tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 3,3% (năm 2007) xuống 2,5% (năm 2014); tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng trên phương tiện giao thông công cộng giảm từ 12 đến 15%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả điều tra (do Tổng cục Thống kê phối hợp với WHO thực hiện) cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%), trong đó tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn cao. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi... đang gây khó khăn, cản trở những nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta.

Ông Lốc-ki Oai (Lokky Wai), Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có những hành động mạnh mẽ phòng, chống tác hại thuốc lá thông qua việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông; thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, cung cấp nguồn tài chính bền vững quý giá cho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trên phạm vi toàn quốc... Tuy nhiên, các kết quả trong phòng, chống tác hại thuốc lá có thể được cải thiện hơn rất nhiều bằng cách tăng đáng kể thuế thuốc lá, vì đây là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58%, thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ. Tăng thuế thuốc lá, sẽ giúp giảm hút thuốc, đồng thời sẽ giúp tăng doanh thu thuế của Chính phủ và là một biện pháp "lợi cả đôi đường"-lợi cho sức khỏe cộng đồng và cho thu thuế của Chính phủ.