“Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Y tế. Thời gian qua, ngành Y tế đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực. Đặc biệt, trong công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện hàng loạt các biện pháp đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức lấy người bệnh làm trung tâm, quản lý, cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ. Hội nghị lần này được xem là bước đột phát của ngành Y tế sau một loạt những giải pháp quyết liệt nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, hướng tới mục tiêu để mỗi bệnh nhân là một "khách hàng" đúng nghĩa. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” sáng ngày 22/4/2015 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Hội nghị trực tuyến với 715 điểm cầu trên cả nước của ngành Y tế được tổ chức.
Xem hình
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cùng các l

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đầu tư thêm giường bệnh, mở rộng quy mô bệnh viện từ tuyến trung ương tới tuyến huyện, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện tuyến dưới như Đề án Bệnh viện Vệ tinh và Đề án 1816, Quyết định số 14/QĐ -TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh; cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đa dạng hóa các mô hình khám bệnh, triển khai thí điểm Đề án “Bác sỹ gia đình” để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

 “Chúng tôi những người thầy thuốc luôn tôn vinh và trân trọng những người cán bộ đã làm tốt và làm đúng trách nhiệm của mình, nhưng cũng kiên quyết đề nghị đưa ra khỏi ngành những “con sâu làm rầu nồi canh” mà xã hội đang lên án, bức xúc. Vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn, thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế. Nghiêm trọng hơn, nó làm xói mòn niền tin của nhân dân đối với hơn 400 ngàn cán bộ y tế và tác động tiêu cực đến hình ảnh của đa số các cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm lặng lẽ, quyên mình với nhân cách, trí tuệ để chữa trị, giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các nội dung củaHội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh bao gồm: các đơn vị trong toàn ngành Y tế cần tập trung nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử; tăng cường mối quan hệ thân thiện giữa bệnh viện với người bệnh và người nhà người bệnh; tôn trọng, lắng nghe phản ánh, bức xúc của người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh như: thực hiện tốt xử lý thông tin “đường dây nóng”; tiếp tục đổi mới phương thức thu nhập thông tin của người dân thông qua “hộp thư góp ý” theo qui định; triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh” do các Thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh trong các bệnh viện; đổi mới trang phục của cán bộ y tế và ký cam kết đảm bảo phong cách, thái độ tốt đối với người bệnh…

Để thuận lợi cho “khách hàng” khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được nhanh chóng, các đơn vị trong ngành Y tế cần thiết phải thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, bộ phận truyền thông sẽ nằm trong cấu phần của Phòng Công tác xã hội đặt ở Khoa khám bệnh, với nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, gia đình người bệnh khi đến bệnh viện…

Về đổi mới trang phục y tế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho rằng, đã từ lâu trong tiềm thức người dân luôn coi chiếc áo trắng như hình ảnh của sự thân thương, cao đẹp và trong sáng của nghề y và cũng từ đó mỗi người làm trong nghề y coi là niềm tự hào và trách nhiệm cao cả khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để hành nghề. Tuy nhiên, trang phục y tế chưa thống nhất trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm chưa dễ dàng nhận diện được cán bộ, viên chức y tế qua trang phục y tế khi cần liên hệ công việc; guốc, dép của người hành nghề không đúng quy định, không tạo được niềm tin tưởng, tôn trọng và hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh. Chiếc áo blouse trắng là biểu tượng của người thầy thuốc, Bộ Y tế sẽ có những bàn bạc, nghiên cứu để có những quy định phù hợp hơn, từ trang phục, dép đi, sẽ thay đổi những trang phục quá cũ.

Cùng với việc đổi mới về trang phục của cán bộ y tế thì một nội dung không thể tách rời đó là việc ký cam kết đảm bảo phong cách, thái độ tốt đối với bệnh nhân. TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, sẽ có 5 đối tượng ký cam kết gồm: viên chức y tế với trưởng khoa, phòng; trưởng khoa, phòng với giám đốc bệnh viện; giám đốc bệnh viện trực thuộc Sở Y tế với giám đốc Sở Y tế; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế với Lãnh đạo Bộ Y tế; Giám đóc Sở Y tế ký cam kết với lãnh đạo Bộ Y tế. Nội dung cam kết là:  tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện; thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng; quy định trang phục y tế; tiếp tục thực hiện “Đường dây nóng”; duy trì, củng cố hộp thư góp ý; triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh” trong bệnh viện; tổ chức ký cam kết, thực hiện cam kết; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; công tác khen thưởng, xử lý vi phạm.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim biểu dương cao tinh thần hết lòng vì người bệnh của tất cả cán bộ, nhân viên y tế từ trung ương đến tuyến huyện. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh,nhiệm vụ này chúng ta phải làm, nếu không có bệnh nhân sẽ không có thầy thuốc. Trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, khi giá dịch vụ được điều chỉnh thì chúng ta phải điều chỉnh thái độ.

Mỗi cán bộ công chức y tế hãy là người truyền thông cho đơn vị mình, mỗi đơn vị cần có 1 người phát ngôn. Bệnh viện khi có thành tựu, thành tích cần làm tốt công tác truyền thông tới người dân. Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Khi truyền thông thành tựu chính là quảng bá hình ảnh của đơn vị. Khi giá dịch vụ tính đúng tính đủ, chúng ta phải có nguồn thu. Vì vậy, nếu không làm tốt thì đơn vị đó sẽ không có bệnh nhân, bảo hiểm xã hội sẽ không kí kết với bệnh viện đó, vì vậy thái độ cũng là một trong yếu tố cạnh tranh lành mạnh.

T5G