Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.
Xem hình

Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.       
Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 300 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây.


Trong những năm gần đây, Việt Nam với vai trò là quốc gia dẫn đầu trong công tác  phòng, chống bệnh dại trong khu vực ASEAN đã tích cực triển khai Nghị định số 05 năm 2007 của Chính phủ về việc phòng chống bệnh dại nhằm giảm thiểu tử vong do dại và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020 được nêu trong “Chiến lược loại trừ bệnh dại ASEAN” do Việt Nam là đầu mối xây dựng. Chiến lược này đã được Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN phê duyệt vào năm 2014.

Nhờ những nỗ lực đáng kể của ngành Y tế, ngành Thú y cũng như sự vào cuộc của chính quyền UBND các cấp, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã đạt kết quả nhất định, số tử vong do bệnh dại đã giảm xuống còn khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây. Tuy nhiên, số tỉnh có ca bệnh dại không giảm và vẫn còn một số tỉnh, thành phố có số tử vong cao do dại. Từ đầu năm 2016 đến nay cả nước đã có 49 trường hợp tử vong xảy ra ở 20 tỉnh, thành phố.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi sự cam kết chính trị của chính quyền các nước trong nỗ lực hướng tới một thế giới không còn bệnh dại, Liên minh kiểm soát bệnh dại toàn cầu (GARC) đã lấy ngày 28/9 hàng năm là Ngày thế giới phòng chống bệnh dại.
Khu vực Bắc Trung bộ và miền Trung không phải là một trong những khu vực trọng điểm của bệnh dại ở Việt Nam, tuy nhiên tỉnh Nghệ An là một trong những tỉnh xảy ra tử vong dại liên tiếp trong những năm gần đây, có số trường hợp mắc và tử vong do dại cao trên cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ. Từ đầu năm 2016 đến nay Nghệ An hiện cũng đang có số ca tử vong cao nhất trên cả nước. Vì vậy, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan ra những khu vực được coi là an toàn hoặc không có dịch lưu hành, tỉnh Nghệ An được chọn là nơi tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2016.

nỗ hu                                                                Toàn cảnh Lễ mít tinh     

 Ngày 24/9/2016, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân tỉnh Nghệ An, Tổ chức Y tế thế giới WHO), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan của tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2016” với chủ đề “Truyền thông và Tiêm phòng tiến tới loại trừ bệnh Dại”.

Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại L                            
      Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến

       Tại buổi lễ mít tinh, Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu bật cam kết mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống bệnh và loại trừ bệnh dại tại tỉnh Nghệ An nói riêng, đồng thời cũng cam kết nỗ lực góp phần hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại
      
       Thay mặt cho Lãnh đạo 2 Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Thú y cam kết rằng hai Bộ sẽ tiếp tục hợp tác cùng với các cấp chính quyền, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tăng cường nhận thức về các biện pháp dự phòng bệnh và mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó cắn. Hai Bộ cũng phối hợp để cải thiện công tác giám sát và báo cáo dịch bệnh, khuyến khích sự hợp tác hiệu quả hơn giữa hai ngành y tế và thú y ở cấp địa phương.

       Đại diện cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Song Hà - Trợ lý Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) Việt Nam nhấn mạnh rằng việc loại trừ bệnh dại chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực Một sức khỏe kết nối cộng đồng, ngành thú y, y tế, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Ông Hà cho biết, trong những năm tới đây,WHO và FAO cam kết tiếp tục hỗ trợ Chương trình quốc gia 5 năm về phòng chống và khống chế bệnh dại ở người và động vật, đặc biệt là lĩnh vực quản lý đàn chó, tiêm phòng, giám sát và xử lý ổ .

       Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành y tế hoặc ngành nông nghiệp mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng, chống dại cũng như sự tham gia của toàn bộ cộng đồng bên cạnh những giải pháp kỹ thuật như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thú y tại các cấp. Loại trừ bệnh dại chỉ có thể đạt được nếu chúng ta quản lý tốt đàn chó, và ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế được tiêm phòng đầy đủ. Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại là một cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng chống bệnh dại, tăng cường phối hợp liên ngành theo hướng tiếp cận “Một Sức Khỏe” và kêu gọi sự hợp tác, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này. Tại buổi Lễ Mít tinh, đại diện chính quyền tỉnh Nghệ An và Bộ, ngành, tổ chức quốc tế đã cùng ký tượng trưng cam kết cùng chung tay phòng chống bệnh dại.

       Để khuyến khích và tăng cường công tác phòng chống bệnh dại tại cộng đồng, trước đó Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc thi lựa chọn hoạt động phòng, chống bệnh dại xuất sắc tại Việt Nam trong giai đoạn năm 2013-2015 dành cho các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và cá nhân có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực này. Cuộc thi đã lựa chọn được 5 đơn vị và cá nhân đạt các giải thưởng xuất sắc trong các lĩnh vực: Giáo dục bệnh dại cho học sinh, cộng đồng; Tăng tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên chó; giải pháp về tăng sự tiếp cận của người dân với dịch vụ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm và tăng số lượng người tìm kiếm điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, Giải pháp về quản lý đàn chó và các giải pháp về tìm kiếm các nguồn lực để cải thiện hoạt động phòng chống dại tại địa phương.

       Bên cạnh đó, hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bệnh dại cũng được tổ chức tại TP. Vinh tỉnh Nghệ An ngay trước thềm Lễ Mít tinh Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và đào tạo, các tổ chức quốc tế và đại diện  Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Thú y, Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe từ hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.

       Ngày 28/9/2016, tỉnh Gia Lai và một số tỉnh, thành phố khác cũng tổ chức lễ mít tinh và các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại để nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi và kết nối hành động của toàn xã hội hướng tới một Việt Nam không có bệnh dại.   

 Cục Y tế dư phòng - Bộ Y tế