Bộ Y tế đã công bố thông điệp chính của Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2015: “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Xem hình

Thiếu vi chất dinh dưỡng - căn nguyên của bệnh tật

Tuy cơ thể con người chỉ cần một lượng rất nhỏ các loại vi chất dinh dưỡng bao gồm, các nhóm vitamin A, B, C, D, E… và các nhóm nguyên tố khoáng như: can xi, phốt pho, sắt, kẽm, selen, đồng… nhưng nó lại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vi chất dinh dưỡng tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa và là thành phần cấu tạo nên cơ thể. Thiếu những chất này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Một số bệnh thường gặp khi cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng như: thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt; còi xương do thiếu canxi và vitamin D; bướu cổ do thiếu I ốt; suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm; thiếu vitamin A và bệnh khô mắt… Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn. Các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới  bắt đầu ăn bổ sung (cho trẻ ăn dặm). Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non có hàm lượng vitamin A cao giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được các bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, vì  sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu của trẻ . Nhu cầu khuyến nghị vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn 1 người/1 ngày của Viện dinh dưỡng công bố năm 2012 về một số vitamin thiết yếu và khoáng chất đối với trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi: đối với vitamin A cần 375 đến 400 mcg/ngày, canxi cần 300 đến 500 mg/ngày, kẽm cần 2,8 đến 4,1 mg/ngày.

Tổ chức triển khai bổ sung vi chất dinh dưỡng

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó có phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, với mục tiêu nâng cao thể chất, tầm vóc, sức khỏe cho người Việt. Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như: Chương trình phòng chống thiếu vitamin A (bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, 1 năm uống 2 lần, cho bà mẹ sau sinh uống 1 liều vitamin A liều cao); Chương trình phòng chống rối loạn do thiếu I ốt (khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối I ốt và sản phẩm có bổ sung I ốt trong nước mắm, bột nêm) vào các bưa ăn hàng ngày; Chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng đối với phụ  nữ có thai uống bổ sung viên sắt acid/folic từ khi bắt đầu có thai cho tới sau sinh 1 tháng.

Vitamin A là một trong số loại vi chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể của trẻ em. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thiếu vitamin A gây khô mắt, nếu nặng có thể gây mù mắt, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em tiền học đường. Bổ sung vitamin A liều cao làm tăng tỷ lệ sống ở trẻ nhỏ tới 20 đến 30% do làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Từ năm 1988, Viện dinh dưỡng đã triển khai chương trình phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt. Năm 1993, chương trình đã được triển khai trên toàn quốc. Cho dù, năm 1995, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức phòng chống thiếu vitamin A quốc tế công nhận đã loại trừ bệnh khô mắt do thiếu vitamin A thể lâm sàng. Tuy nhiên, đến nay, thiếu vitamin A cận lâm sàng vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng ở Việt Nam. Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 3893/QĐ-BYT, ngày 11/10/2007 để hướng dẫn bổ sung Vitamin A cho trẻ em từ 6 đến 60 tháng tuổi kết hợp với tẩy giun đường ruột cho trẻ em từ 12 đến 60 tháng tuổi.

Thực hiện Công văn chỉ đạo số 1720/BYT-DP, ngày 19/3/2015 của Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng đã triển khai cấp phát vitamin A liều cao trong Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2015 và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, thành phố thực hiện cho uống bổ sung vitamin A đối với trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi, mở rộng bổ sung vitamin A cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi kết hợp tẩy giun cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi bao gồm: Bắc Giang, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn, Yên Bái, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Bình Phước, Quảng Nam, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng trị. Chương trình sẽ được triển khai thực hiện vào Ngày Vi chất dinh dưỡng 1,  2/6/2015. Để đảm bào an toàn, Viện dinh dưỡng đã yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối, giám sát và kịp thời báo cáo về Viện trong suốt quá trình thực hiện.

Đến nay, Ngành Y tế tuyến tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho Chiến dịch bổ sung vitmin A đợt 1 năm 2015. Tại Cao Bằng, Trung tâm Y tế Dự phòng đã tổ chức lớp tập huấn Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bổ sung Vitamin A và tẩy giun cho trẻ dưới 5 tuổi và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến dịch bổ sung Vitamin A năm 2015 cho 30 cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách dinh dưỡng của 13 trung tâm y tế huyện/thành phố. Các học viên được trang bị kỹ năng lập kế hoạch và cách thức tổ chức thực hiện Chiến dịch với mục tiêu sẽ có 98% trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi được uống Vitamin A và trẻ 24 đến 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun, trên 70% bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng được uống Vitamin A.

Để thực hiện tốt Chiến dịch bổ sung viatmin A đợt 1 năm 2015, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế  đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Huế: tổ chức điều tra nắm danh sách đối tượng trẻ em từ 6-36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục dinh dưỡng thông qua các phương tiện thông tin sẵn có tại địa phương về cách phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, iốt), phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt phòng vitamin A liều cao cho các bệnh nhi bị Sởi; lập kế hoạch phân phối vitamin A liều cao dự phòng cho các đối tượng trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi; trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh nhiễm trùng, các bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng và trẻ bị Sởi theo từng thôn, tổ dân phố.

Ngành Y tế Hà Nội cũng sẽ tổ chức 2 đợt uống vitamin A cho trẻ. Đợt 1, được tổ chức trong 2 ngày mồng 1 và mồng 2/6 và uống vét đến hết ngày 5/6, đồng thời cân và đo chiều cao cho trẻ trong các ngày từ 1 đến 7/6. Đợt 2, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12. Mục tiêu đề ra là 99,8% trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao trong hai đợt chiến dịch; phòng, chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em tại 100% xã, phường, thị trấn; trên 95% trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được cho uống vitamin A liều cao dự phòng; trẻ em dưới 5 tuổi được cân, đo chiều cao để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thể thấp còi… Hà Nội cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành giám sát Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2015.

Để bảo vệ cho trẻ trước những nguy cơ mắc bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, gia đình hãy đưa con, em mình đền các điểm uồng bổ xung vitamin A trong 2 ngày 1-2/6/2015 và tuân thủ đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Khuyến cáo của Bộ Y tế  về phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

1. Đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

3. Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D.

4. Trẻ em trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều Vitamin A.

5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

6. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên Sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

7. Sử dụng muối Iốt và các sản phẩm có bổ sung Iốt trong bữa ăn hàng ngày

 

 

TTGDSK


Tác giả: TTGDSK