Dịch sốt xuất huyết Dengue (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch. Trong đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.

Cũng như nhiều nước trong khu vực, từ đầu năm đến nay, nhất là những tuần gần đây, số ca mắc SXH gia tăng và xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Tích lũy đến hết tháng 7, cả nước ghi nhận gần 50 nghìn trường hợp mắc SXH tại 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 17 trường hợp chết. Số ca mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực phía nam (hơn 28 nghìn trường hợp), chiếm 57,9% tổng số ca mắc; tiếp theo là khu vực miền trung, Tây Nguyên. Các tỉnh, thành phố có số trường hợp mắc SXH tích lũy cao nhất cả nước là: TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đác Lắc, Đồng Tháp, Phú Yên, Bình Phước... Bốn tỉnh Tây Nguyên (gồm: Đác Lắc, Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum) đang là “điểm nóng” về dịch SXH khi ghi nhận có 7.411 trường hợp mắc bệnh (chiếm 15,1%), tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có bốn trường hợp tử vong. Tỉnh có số trường hợp mắc SXH cao nhất là tỉnh Gia Lai với 3.081 (chiếm 41,6% số mắc khu vực), sau đó đến Đác Lắc, Kon Tum, Đác Nông. Hai tỉnh Gia Lai, Đác Lắc nằm trong 10 tỉnh có số người mắc bệnh này cao nhất cả nước. Tỷ lệ mắc của khu vực là 168,1/100 nghìn dân, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước là 48,2/100 nghìn dân. Hiện nay dịch xảy ra ở 393 /563 xã, phường, thị trấn và tại 48/50 huyện của bốn tỉnh ở Tây Nguyên.

Sự gia tăng nhanh các trường hợp mắc SXH tại các tỉnh Tây Nguyên những tháng gần đây là do bệnh dịch SXH thường có tính chất chu kỳ, cứ khoảng ba đến 5 năm lại có đợt bùng phát tăng cao số ca mắc. Hiện đang vào mùa mưa, dịch bắt đầu gia tăng và thường đạt đến đỉnh vào những tháng cuối năm. Tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh cũng như bệnh SXH phát triển. Sự giao lưu đi lại giữa Tây Nguyên và các vùng miền khác trên cả nước thuận lợi, cùng với sự di biến động dân số làm gia tăng nguy cơ dịch lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Đáng chú ý, năm 2016, hiện tượng En Ni-nô xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát sinh, phát triển. Thời tiết hạn hán tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, người dân tăng tích trữ nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy phát triển. Tại các hộ gia đình có nhiều lốp xe công nông, lốp xe máy cũ không còn sử dụng vứt, để ngoài vườn; nhiều hộ gia đình sử dụng bồn nước, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc đậy không kín, ngoài ra còn có các vật liệu phế thải (chai, lọ, chum, vại) chứa nước đọng không được xử lý, là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển mạnh. Trong khi đó, ý thức của người dân chưa cao, chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, không thực hiện việc diệt muỗi, diệt bọ gậy...

Mạng lưới y tế còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống SXH; hoạt động của các cộng tác viên còn yếu, chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi, loại bỏ vật dụng, phế thải, loại bỏ ổ bọ gậy nguồn. Mặc dù nhiều hộ gia đình đã ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống SXH, nhưng việc theo dõi, kiểm tra thực hiện còn lỏng lẻo. Tại một số địa phương, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị và chính trị xã hội chưa coi trọng công tác chủ động phòng nỗ hu SXH...

Dự báo dịch bệnh SXH có nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc do vẫn đang là mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi đẻ trứng và bọ gậy phát triển mạnh, dịch bệnh có thể tiếp tục lan rộng nếu không triển khai mạnh các biện pháp phòng, nỗ hu , giám sát, xử lý triệt để ổ dịch. Để tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống SXH thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, nỗ hu , trong đó giao trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền các cấp để tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH hiệu quả; huy động các ban, ngành, đoàn thể cũng như các tổ chức chính trị, chính trị xã hội khác tham gia vận động người dân phòng, chống SXH.

Tại những tỉnh có số người mắc bệnh cao, cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt đối với công tác phòng, chống dịch SXH. Tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm dân cư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc người dân thực hành các hành vi phòng, chống dịch. Ưu tiên thực hiện truyền thông bằng phát loa trực tiếp ngay tại địa bàn dân cư, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. Tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, thu gom lật úp, xử lý dụng cụ phế thải chứa nước; có giải pháp khả thi thu gom lốp ô-tô cũ và hướng dẫn người dân đậy nắp các dụng cụ chứa nước. Triển khai phun hóa chất xử lý ổ dịch, phun chủ động tại các khu vực nguy cơ cao. Tuyên truyền vận động người dân khi có triệu chứng bệnh đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Thành lập và duy trì đội xung kích tại các thôn, ấp để kiểm tra và hướng dẫn hộ gia đình diệt bọ gậy.

Ngành y tế và chính quyền địa phương ký cam kết với các hộ gia đình trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH tại hộ gia đình. Giám sát chặt chẽ dịch trên địa bàn tỉnh, huyện, xã để phát hiện sớm các trường hợp bệnh, các ổ dịch, cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời. Điều tra ca bệnh mắc SXH tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất dịch lan ra diện rộng. Rà soát, xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực xử lý, khống chế, giải quyết triệt để, không để lan rộng, kéo dài. Thực hiện điều trị đúng phác đồ, giảm tối đa các trường hợp tử vong. Duy trì các đội cơ động phòng, chống dịch tuyến trên (bao gồm cả dự phòng và điều trị) để hỗ trợ cho tuyến dưới tại các địa phương khi cần thiết. Các tỉnh, thành phố cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH tại địa phương