Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới Bộ yêu cầu tất cả các bệnh viện sẽ phải thành lập Phòng công tác xã hội để cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh.

Ngày 20/4/2015, Bộ Y tế đã dự thảo Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng Công tác xã hội trong bệnh viện và sẽ chính thức ban hành trong thời gian tới. Theo đó, Phòng công tác xã hội của bệnh viện có nhiệm vụ:

 Giải quyết các vấn đề về tâm lý, xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh. Đón tiếp, chỉ dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh và người nhà người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh và trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện; tư vấn cho đối tượng về các chương trình chính sách xã hội như bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, hỗ trợ khẩn cấp;

 Hỗ trợ khẩn cấp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng là nạn nhân của bạo hành, xâm hại tình dục, bao gồm bảo đảm an toàn cho đối tượng, hỗ trợ tâm lý, xã hội; trị liệu tâm lý; hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thực hiện pháp y và các dịch vụ phù hợp khác;

 Cung cấp thông tin và tư vấn cho người bệnh và người nhà người bệnh trong trường hợp người bệnh có chỉ định chuyển viện hoặc ra viện; lập kế hoạch hỗ trợ xuất viện cho đối tượng và chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ ngoài cộng đồng nhằm giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng;

 Chủ động  phối hợp với nhân viên y tế trong bệnh viện thăm hỏi người bệnh và người nhà người bệnh để tìm hiểu mức độ cần hỗ trợ của người bệnh về tâm lý, xã hội;

 Phối hợp với bác sĩ điều trị trực tiếp hoặc nhân viên y tế tại khoa mà người bệnh đang khám, chữa bệnh để biết rõ thông tin về tình hình sức khỏe của người bệnh;

Tham gia quá trình chẩn đoán, điều trị người bệnh, báo cáo về tình trạng sức khỏe tâm lý của người bệnh cho bác sỹ điều trị để hỗ trợ quyết định xuất viện cho người bệnh; tham gia thực hiện và phát triển chương trình, chính sách an sinh xã hội.

 Hỗ trợ người bệnh có khó khăn tìm nguồn lực giúp đỡ. Làm đầu mối trong bệnh viện thực hiện tuyên truyền, vận động sự tham gia, ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; vận động tài trợ gây quỹ cho bệnh viện, bao gồm cả vận động tài trợ trang thiết bị, tài trợ cho việc nghiên cứu khoa học và đào tạo tại bệnh viện.

 Truyền thông và quan hệ công chúng: Làm đầu mối của bệnh viện về công tác truyền thông và quan hệ công chúng; tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động của bệnh viện với xã hội và cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để giúp cải thiện đời sống tinh thần của nhân viên y tế và người bệnh; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, chương trình gây quỹ của bệnh viện; hướng dẫn các tổ chức, nhóm tình nguyện viên tới phối hợp về công tác xã hội trong bệnh viện;

 Đào tạo: Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề để đào tạo về nghề công tác xã hội và về công tác xã hội trong bệnh viện thông qua chương trình thực tập của sinh viên công tác xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công tác xã hội cho thầy thuốc và nhân viên bệnh viện; đồng thời, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về y tế cho người làm việc về công tác xã hội; phối hợp, trợ giúp các đơn vị quan tâm đến việc phát triển công tác xã hội.

Phòng Công tác xã hội có bộ phận chăm sóc khách hàng đặt ở khoa khám bệnh để đón tiếp, hướng dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết cho người bệnh và gia đình họ khi đến bệnh viện khám chữa bệnh…

 

TTGDSK