Ngành y tế xác định giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên là nhiệm vụ trọng tâm và đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có Ðề án bệnh viện vệ tinh (BVVT). Sau hai năm triển khai đề án cho thấy, đây là cách làm không chỉ đem lại hiệu quả trong việc giảm tải bệnh viện tuyến trên, mà còn giúp bệnh viện tuyến dưới có đội ngũ cán bộ vững tay nghề.
Xem hình
Ảnh minh họa.

Ðề án BVVT được khởi nguồn từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức năm 2002 với mô hình kết hợp giữa bệnh viện này và sáu bệnh viện: Sơn Tây (Hà Nội), Thanh Hóa, Bắc Ninh, Việt Tiệp, Nam Ðịnh và Phú Thọ. Từ hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại, Bộ Y tế đã nhân rộng bằng quyết định xây dựng và triển khai Ðề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 với 14 bệnh viện hạt nhân và 46 BVVT. Trong đó Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức tiếp tục được giao là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành ngoại chấn thương với bảy BVVT là bệnh viện đa khoa các tỉnh: Lào Cai, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Ðiện Biên. Chúng tôi vừa có đợt khảo sát thực tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, thấy rõ cách làm và hiệu quả mà mô hình này mang lại. Ðiều dễ nhìn thấy là việc triển khai đề án đã "làm lợi" cho cả ba bên: bệnh viện hạt nhân, BVVT và người bệnh.

So với các bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Quảng Ninh được đầu tư khá khang trang với nhiều trang thiết bị hiện đại: máy chụp CT 128 dãy, máy chụp cộng hưởng từ, hệ thống XQ số hóa, siêu âm bốn chiều đa chức năng, hệ thống máy sinh hóa, miễn dịch tự động, điện tim thảm chạy gắng sức... cùng tám phòng mổ hiện đại, vô khuẩn (trong đó có bốn phòng mổ áp lực âm), năm dàn phẫu thuật nội soi, kính vi phẫu, máy tán sỏi la-de ngược dòng. Ðội ngũ cán bộ của bệnh viện cũng khá mạnh, với 260 người có trình độ từ đại học trở lên. Vì vậy khi đề án triển khai, đơn vị chuyển giao và đơn vị tiếp nhận rất dễ đi đến thống nhất từ xác định kỹ thuật chuyển giao đến phương án chuyển giao. Chỉ trong vòng hai năm thực hiện đề án BVVT, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Quảng Ninh được tiếp nhận 12 gói kỹ thuật do Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức chuyển giao, từ cầm máu trong xuất huyết đường tiêu hóa, tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng đến điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc; kỹ thuật mổ lấy máu tụ trong não; điều dưỡng chăm sóc người bệnh sau mổ chấn thương sọ não...

BS Nguyễn Trọng Diện, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Quảng Ninh cho biết, đến nay bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật 425 ca chấn thương sọ não, trong đó có 106 ca máu tụ màng cứng, 37 ca máu tụ trong não, 73 ca ghép khuyết sọ; ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức và điều trị chấn thương sọ não nặng như đặt máy đo áp lực nội sọ...; ứng dụng kính vi phẫu trong phẫu thuật sọ não như tai biến mạch máu não. Ðây là những ứng dụng để chuẩn bị cho những kỹ thuật chuyên khoa sâu hơn như phẫu thuật u não... Qua đó góp phần hạn chế tình trạng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và rút ngắn khoảng cách chất lượng chăm sóc y tế giữa trung ương và địa phương... Ðáng chú ý, trong tổng số 13.899 kỹ thuật mà các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện được, có hơn 1.000 kỹ thuật theo phân tuyến trung ương, như: thay khớp háng bán phần và toàn phần; phẫu thuật nội soi khớp gối, khớp vai; phẫu thuật lồng ngực cắt tùy phổi, u phổi, nội soi lấy cặn và máu cục màng phổi, nội soi đốt hạch giao cảm...

Trực tiếp tham gia chuyển giao kỹ thuật, PGS, TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đánh giá việc chuyển giao được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, giúp các cán bộ tiếp nhận thực hiện một cách thuần thục các kỹ thuật như phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi, kỹ thuật cầm máu trong xuất huyết dạ dày, kỹ thuật mổ máu tụ trong não... Nhờ các đồng nghiệp, các thầy từ tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật, bản thân các bác sĩ tuyến dưới cũng trau dồi được kiến thức, cho nên khi cần thực hiện các kỹ thuật như tán sỏi niệu quản ngược dòng, điều trị bảo tồn tạng đặc cầm máu xuất huyết dạ dày, gây mê hồi sức trong người bệnh mổ đa chấn thương... hầu hết người bệnh đã không phải chuyển tuyến. Từ cách làm của bệnh viện đã rút ra bốn kinh nghiệm để phối hợp tốt: xác định rõ nhu cầu của tuyến dưới; xác định khả năng đáp ứng của tuyến trên; có giải pháp hỗ trợ hợp lý và kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả kịp thời.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Ðề án BVVT mới thực hiện được hai năm, song mạng lưới BVVT đã được thiết lập một cách chặt chẽ giữa tuyến trung ương và địa phương ở năm chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Ngoài các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, 14 bệnh viện hạt nhân đã tổ chức được 327 lớp đào tạo cho 3.891 lượt cán bộ BVVT; chuyển giao 293 lượt kỹ thuật cho 1.745 cán bộ. Bên cạnh đó, các bệnh viện đầu ngành như Việt Ðức, Bạch Mai... cũng đã tiến hành các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi giúp nâng cao năng lực cho các BVVT.

Thực tế tại các BVVT cho thấy, nhiều người bệnh đã tin tưởng khi thực hiện một số kỹ thuật cao tại tuyến dưới. Họ hiểu rằng, không phải lúc nào chuyển lên tuyến trên cũng là phương án tốt nhất. Có những trường hợp cấp cứu, nếu như di chuyển xa thì bệnh nhân có thể chết dọc đường. Các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Ðức, E, Nhi T.Ư đã giảm được các ca bệnh vượt tuyến, chuyển tuyến thường thấy trước đây. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật không thua kém các bệnh viện tuyến trung ương. Như Bệnh viện Ða khoa tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện được kỹ thuật can thiệp tim mạch, mổ tim hở thường quy; Bệnh viện Ða khoa tỉnh Thanh Hóa đã làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch... cứu chữa kịp thời nhiều ca cấp cứu, nhất là bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Theo báo cáo từ các BVVT, tỷ lệ chuyển tuyến đang có xu hướng giảm, những tháng đầu năm 2015, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm rõ rệt (37,5%), góp phần giúp các bệnh viện tuyến trên thực hiện tốt việc giảm tình trạng quá tải.