“Nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao mà hàng trăm nghìn trẻ em và phụ nữ Việt Nam đã được bảo vệ khỏi bệnh tật và tàn phế, hàng chục nghìn trẻ em được cứu sống. Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần” - phát biểu của Phó Thủ tường Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” tại thành phố Bắc Giang tháng 4/2015.
Xem hình
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Bộ Y tế đến thăm và kiểm tra công tác tiêm chủng tại điể

Dấu ấn về sự ra đời và phát triển vắc xin trong gần 2 thế kỷ

Công trình nghiên cứu vắc xin chủng đậu bò của bác sĩ thú y E. Jener, vương quốc Anh vào cuối thế kỷ thứ XIX là mốc khởi đầu cho ngành vắc xin học. Năm 1880, bác sĩ L.Paster, Pháp đã sáng chế thành công vắc xin phòng chống bệnh than và nhiều loại vắc xin khác dựa trên ý tưởng của E.Jener. Những năm đầu thế kỷ XX, tiêm chủng được bắt đầu thực hiện ở những nước công nghiệp phát triển với vắc xin phòng chống bệnh đậu mùa. Kết quả bệnh đậu mùa - căn bệnh cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, từng là nỗi kinh hoàng của toàn châu Âu đã được loại trừ. Trong 2 thế kỷ qua, vắc xin đã góp phần to lớn đẩy lùi nhiều dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hiện nay có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin. Tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc xin. Theo tổng kết của Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), trong thập kỷ vừa qua, một số loại vắc xin như vắc xin viêm gan B và viêm phổi, viêm não mủ do Hib được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở nhiều nước đang phát triển đã góp phần dự phòng cho 5 triệu trẻ em không bị tử vong vì các bệnh nhiễm trùng. Trong thời gian tới, việc đưa thêm những vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng tại Việt Nam như vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin rubella, vắc xin phế cầu phòng viêm phổi, vắc xin rota phòng tiêu chảy… sẽ góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu thiên kỷ là làm giảm 2/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong vào năm 2015 so với năm 1990. Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam nhấn mạnh: “rất hiếm có can thiệp y tế nào có ảnh hưởng lớn đến người dân trên thế giới và giúp cứu sống con người một các hiệu quả như tiêm phòng bệnh bằng vắc xin. Đáng tiếc là trên thế giới, hiện vẫn có khoảng 1,5 triệu trẻ em tử vong mỗi năm vì những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin”.

Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam

Đánh giá về Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nước ta, Phó Thủ tường Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985, qua 30 năm thực hiện, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella… Trong những năm qua, nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao mà hàng trăm nghìn trẻ em và phụ nữ Việt Nam đã được bảo vệ khỏi bệnh tật và tàn phế, hàng chục nghìn trẻ được cứu sống, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở  trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần. Đặc biệt, Chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần lớn vào việc giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lo ngại thời gian gần đây một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng diến biến phức tạp do việc tiêm chủng chưa được thực hiện đầy đủ, bởi một số người dân đã nhận thức chưa đúng, chưa đủ về vắc xin trong phòng bệnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “thực tế, gần đây, ngay tại những nước phát triển như Mỹ, Australia, Canada và một số nước châu Âu đã xuất hiện hiện tượng một số dịch bệnh bùng phát trở lại do người dân “quay lưng” không đưa con em mình đi tiêm chủng”. Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam - ông Youssouf Abdel-Jelil cho biết, năm 2014, khoảng 51.000 trẻ em Việt Nam dưới 1 tuổi không được tiêm chủng đầy đủ và khoảng 518.000 trẻ đã bỏ lỡ chiến dịch tiêm chủng sởi - rubella vừa qua. Nhiều trẻ em trong số ấy ở trong các gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các gia đình di cư nghèo ở đô thị. Tuy nhiên, có một số bậc cha, mẹ có đầy đủ điều kiện kinh tế ở các thành phố lớn lại trì hoạn việc tiêm chủng cho con do chờ đợi vắc xin dịch vụ đang rất khan hiếm. Điều này khiến cho con, em họ phải đối mặt với những nguy cơ nhiễm các bệnh đe dọa đến tính mạng trong đó có bệnh sởi.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kêu gọi mọi người dân cần nắm bắt được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin trong bảo vệ sức khỏe cho con em mình và cộng đồng. Các cấp chính quyền và các ngành có liên quan cần nỗ lực hơn nữa, có nhiều sáng tạo để công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, nhất là để tất cả mọi người dân được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, đúng lịch, an toàn và thuận lợi. Phó Thủ tướng mong rằng, mỗi cá nhân, mỗi tập thể sẽ làm hết mình để công tác tiêm chủng thành công và ngày càng phát triển hơn với một ý nghĩa nhân văn lan tỏa “bảo vệ cho mình, bảo vệ cho mọi người”