Những năm qua, công tác truyền thông trong Chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức,nội dung phong phú. Tuy còn gặp một số khó khăn nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tỉnh đến huyện, xã, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hình thức tuyên truyền như thế này trở nên kháquen thuộc trong những chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tại đây các chị em phụ nữ có điều kiện tìm hiểu, giải tỏa những thắc mắc tế nhị và thực hành những hành vi liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy nâng cao kiến thức làm thay đổi hành vi về CSSKSSluôn được các địa phương trú trọng.

Bên cạnh nhiều hình thức truyền thông phong phú, ngành y tế còn chú trọng tới đào tạo cán bộ chuyên trách, cộng tác viên làm công tác truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động tại cộng đồng;phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phân công đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản đến từng hộ để tuyên truyền, vận động chị em.

Có thể nói, đội ngũ y tế thôn, bản và cộng tác viên dân số ở các khu dân cư là lực lượng chủ đạo, có vai trò quan trọng trong việc rà soát số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai tại từng địa bàn dân cư để vận động họ đến cơ sở y tế khám thai định kỳ cũng như thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, tổ chức các đợt khám và cấp thuốc tại cộng đồng cho các chị em trong độ tuổi sinh đẻ; Thông qua hoạt động này, chị em có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn cũng như khám, kiểm tra và phát hiện sớm các bệnh về đường sinh sản để điều trị kịp thời. Nhờ những nỗ lực đó, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được nâng lên đáng kể. Người dân dần hình thành thói quen đến khám, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế. Phụ nữ có thai thường xuyên đến khám thai định kỳ và đến cơ sở y tế để sinh đẻ. Nhiều chị em đã được trang bị kiến thức về sinh nở, chăm sóc trẻ, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Trong 6 tháng  năm 2017,  số phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng là gần 4.500 người, thực hiện khám phụ khoa cho gần 10 nghìn lượt phụ nữ, phát hiện và điều trị gần 4 nghìn ca viêm nhiễm đường sinh sản

Tuy nhiên tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn có xu hướng gia tăng…Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, ngành y tế cũng đang tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế thôn, bản cũng như tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ CSSKSS; phấn đấu đạt mục tiêu là tất cả phụ nữ đều được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CSSKSS có chất lượng.

Thực tế cho thấy, phần lớn chị em phụ nữ chưa quan tâm tới chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân. Nhiều chị em hầu như không có những kiến thức cần  thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản nên tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao. Vì vậy, các hoạt động truyền thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng thực sự đã trở thành một kênh thiết thực, hữu ích cho chị em, góp phần  thúc đẩy công tác CSSKSS có nhiều chuyển biến tích cực.

Tác giả: Thu Minh