Dịch vụ hành nghề y, dược ngoài tư nhân ở tỉnh ta trong những năm qua phát triển mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thụ hưởng nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe tiện ích. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình hoạt động vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước xảy ra nhiều trường hợp tai biến tại các phòng khám sản phụ và đã có một số trường hợp tai biến dẫn đến tử vong gây hoang mang lo lắng cho người dân.Tại tỉnh ta, theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có gần 400 cơ sở hành nghề y tư nhân được cấp phép hoạt động, trong đó 14 phòng khám sản phụ khoa và 24 phòng khám đa khoa có loại hình sản và nhi khoa. Những phòng khám này, mỗi năm, thu hút hàng nghìn lượt người bệnh tới khám, chữa bệnh đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng tốt thì vẫn còn nhiều cơ sở hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, quảng cáo quá phạm vi hoạt động, lạm dụng kỹ thuật cao và xét nghiệm. Một số cơ sở còn nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị, năng lực của nhân viên y tế còn hạn chế….gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Có mặt tại phòng khám sản phụ khoa Hà Nội địa chỉ thành phố Ninh Bình. Theo đăng ký cơ sở khám chữa bệnh toàn giờ nhưng tại thời điểm kiểm tra thì cơ sở không có người chịu trách nhiệm chuyên môn, không có dược sĩ bán thuốc, đặc biệt phòng làm thủ thuật tủ thuốc cấp cứu còn nhiều loại thuốc hết hạn. Việc phân loại rác thải không đúng quy định.

Bên cạnh đó, tại nhiều phòng khám khác qua kiểm tra cũng có lỗi tương tự như:  sử dụng người hành nghề không đủ trình độ chuyên môn và không có chứng chỉ hành nghề; quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không niêm yết giá, phân loại rác thải y tế chưa đúng; một số phòng khám chuyên khoa không có quầy thuốc vẫn vừa kê đơn, vừa bán thuốc; sổ, sổ khám bệnh ghi chép chưa đầy đủ. Đáng lưu ý, một số phòng khám phụ sản và kế hoạch hoá gia đình không có xô xử lý dụng cụ sau khi làm thủ thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.

Đoàn đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, yêu cầu tiêu hủy thuốc hết hạn, gỡ bỏ quảng cáo quá phạm vi hoạt động của cơ sở.  Theo số liệu của Sở Y tế trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, đoàn thanh tra Sở y tế đã tổ chức thanh kiểm tra hành nghề y dược tư nhân được 77 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm pháp luật, đình chỉ hoạt động 04 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền 10 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn một trăm triệu đồng nộp vào Kho bạc nhà nước; thanh tra hành chính tại 03 đơn vị trong ngành, không phát hiện có vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành nghề y, dược, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân đến các đối tượng kinh doanh. Quản lý tốt cán bộ, viên chức hành nghề ngoài giờ, yêu cầu không được khám, điều trị cho bệnh nhân vượt quá phạm vi hành nghề trong giấy phép hoạt động; không hành nghề khi không có chứng chỉ hoặc giấy phép hoạt động. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở hoạt động trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo luật định.          

Tác giả: Thu Trang