Hiện nay, toàn tỉnh có 1.663 bệnh nhân HIV còn sống và 976 người chuyển sang giai đoạn AIDS còn sống. Tính đến nay, mới chỉ có trên 1.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, chiếm gần 60% tổng số ca bệnh. Theo mục tiêu của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 90% bệnh nhân nhiễm HIV tham gia điều trị ARV. Liệu mục tiêu này có đạt được hay không, khi mà sắp tới, bệnh nhân sẽ bị cắt hoàn toàn nguồn thuốc tài trợ?

Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan là một trong hai đơn vị trong toàn quốc có phòng khám HIV được đặt tại Khoa khám bệnh. Ngoài việc khám sàng lọc HIV, Lao thì phòng khám còn thực hiện công tác điều trị bằng thuốc ARV. Đi vào hoạt động tròn 2 năm, phòng khám đã thực sự trở thành điểm đến tin cậy cho các bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn. Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, theo lũy kế, hiện toàn huyện Nho Quan có 496 người mắc HIV, trong đó đã có 196 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 123 người đã tử vong do AIDS. Trong số người nhiễm HIV còn sống, có 171 bệnh nhân đang tích cực điều trị bằng ARV. Nguồn thuốc để điều trị hiện tại vẫn do dự án Quỹ toàn cầu cung cấp, nghĩa là người bệnh được miễn tới 95% chi phí trong điều trị. Ngoài cấp thuốc tại phòng khám lao/HIV của Bệnh viện Đa khoa huyện còn có 5 điểm cấp thuốc được đặt tại các Trạm y tế xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Hiệu quả của việc điều trị ARV đã được chứng minh rất rõ qua thực tiễn. Bệnh nhân khi điều trị ARV đã có sức khỏe rất tốt. Họ hoàn toàn có thể làm việc, sinh hoạt như một người bình thường. Họ cũng lấy lại được tinh thần lạc quan vào cuộc sống, ra sức lao động và chăm sóc con cái trong gia đình… Trong những năm gần đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã giảm hẳn.

Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Viễn bắt đầu tổ chức khám và cấp thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV theo sự phân cấp của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Theo lãnh đạo bệnh viện, do mới đi vào hoạt động nên chưa có nhiều bệnh nhân mới đến điều trị. Bởi vậy, thời gian qua, Bệnh viện đã phối hợp với các xã, thị trấn đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho những người nhiễm HIV để họ có ý thức chăm lo sức khỏe cho chính bản thân mình. Cùng với đó, địa phương cũng đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền để mỗi người dân hiểu đúng về căn bệnh thế kỷ, để không có thái độ kỳ thị, phân biệt với những người có HIV. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của đội ngũ đồng đẳng viên, hiện nay, ngoài những bệnh nhân được chuyển về từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã có thêm bệnh nhân mới đến điều trị. Đến nay, trong tổng số gần 100 bệnh nhân trong huyện, có hơn 30 bệnh nhân đến điều trị. Bệnh viện đang phấn đấu hết năm 2016 sẽ có 40% bệnh nhân điều trị ARV.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 3.600 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có trên 1.600 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống, trên 900 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và trên 1.000 bệnh nhân tử vong do AIDS. Những năm qua, nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV, tỉnh ta đã đặc biệt chú trọng đến công tác điều trị bằng ARV. Hiện tại, toàn tỉnh có 9 phòng khám ngoại trú đặt tại những nơi có chức năng chi trả BHYT, đó là Bệnh viện đa khoa các huyện và Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình. Những cơ sở khám ngoại trú này có đủ khả năng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… để khám và điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. Từ cuối năm 2015, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã chuyển tất cả bệnh nhân về điều trị tại các cơ sở tuyến huyện. Ngoài ra còn có 2 điểm cấp thuốc ở Trại giam Ninh Khánh và Trung tâm Chữa bệnh và lao động xã hội và 17 điểm cấp thuốc về các xã, trong đó có 10 điểm ở Kim Sơn, 5 điểm ở Nho Quan và 2 điểm ở Hoa Lư. Cũng như Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan và Gia Viễn, mỗi nơi một cách làm, một giải pháp, song tất cả các cơ sở điều trị ARV trên địa bàn tỉnh đang có sự nỗ lực rất lớn nhằm nâng cao chất lượng điều trị và thu hút bệnh nhân tham gia điều trị ARV, với mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe cho người có HIV và quan trọng nữa là qua đó hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tính đến nay, mới chỉ có trên 1.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, chiếm gần 60% tổng số ca bệnh. Phân tích về nguyên nhân tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV còn chưa cao, đại diện lãnh đạo ngành Y tế cho biết, tham gia điều trị bằng ARV thì người bệnh phải tuân thủ một quy trình điều trị rất nghiêm ngặt về thời gian, giờ uống thuốc và liều lượng thuốc… trong khi đó, nhiều bệnh nhân lại đi làm ăn xa nên việc điều trị thường xuyên gặp khó khăn. Thêm vào đó, nhiều bệnh nhân còn chưa xóa bỏ được tâm lý sợ bị kỳ thị nên còn giấu giếm, không dám đến cơ sở y tế để điều trị, hoặc người bệnh có thể điều trị ở nơi khác…Đó là những lý do lớn nhất khiến số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV trên địa bàn tỉnh còn chưa cao.

Cũng theo lãnh đạo ngành Y tế, mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta sẽ có 90% người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV. Việc thực hiện mục tiêu này cũng có nhiều khó khăn bởi trong thời gian tới, người bệnh điều trị ARV sẽ phải chi trả tiền thuốc chữa bệnh vì nguồn thuốc viện trợ sẽ bị cắt. Tuy nhiên, khó khăn này đã được khắc phục khi ngày 15-8-2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BYT. Theo thông tư này, người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật về BHYT, được quỹ BHYT chi trả các chi phí liên quan đến chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS như các bệnh khác (trừ các khoản chi phí đã được ngân sách Nhà nước hoặc các nguồn hợp pháp khác chi trả).

Để người có HIV tích cực tham gia BHYT thì công tác tuyên truyền, vận động phải tiếp tục được đặt lên hàng đầu, giúp bệnh nhân hiểu được vai trò quan trọng của BHYT, mạnh dạn đăng ký và tham gia BHYT. Theo đó, Bệnh viện đa khoa các huyện đã tích cực tuyên truyền thông qua mạng lưới đồng đẳng viên, các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, các phòng khám điều trị ngoại trú, qua tài liệu hoặc các buổi truyền thông trực tiếp… Tuy nhiên, chỉ sự quyết tâm của riêng ngành Y tế thôi vẫn chưa đủ, các cấp, các ngành, gia đình và bản thân mỗi người có HIV cần có sự phối hợp tích cực, ngay từ bây giờ cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình.