Cách đây tròn 60 năm, vào ngày 27-2-1955, nhân hội nghị cán bộ chủ chốt ngành Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới hội nghị bức thư tâm huyết. Với những lời lẽ giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm gần gũi, sâu sắc, Người khẳng định vai trò, trách nhiệm to lớn của công tác y tế và mỗi cán bộ y tế phải là những “Lương y như từ mẫu”.
Xem hình

Trong suốt 60 năm qua, học tập và làm theo lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên trong mọi lĩnh vực công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ những năm 1920 của thế kỷ XX, nhà thương Ninh Bình đã được thành lập. Với cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế còn thiếu thốn, nhưng từ bước sơ khai, hoạt động y tế đã góp phần cứu chữa cho nhiều trường hợp người dân ốm đau, bệnh tật. Bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được thiết lập và củng cố. Các bệnh viện luôn phải di chuyển theo tình hình chiến sự, nhưng toàn ngành Y tế Ninh Bình không lùi bước trước những gian nan nguy hiểm, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ phục vụ sản xuất, chiến đấu. Nhiều cán bộ y tế dũng cảm xông pha dưới làn bom đạn của địch, cứu thương băng bó cho thương binh và chuyển thương binh về tuyến sau để tiếp tục chữa trị, góp phần giảm nhiều thương vong trong chiến đấu. ở hậu phương, cán bộ y tế vừa làm nhiệm vụ điều trị và nuôi dưỡng thương binh từ các mặt trận gửi về, vừa làm công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân biết tự sơ cứu các vết thương. Đồng thời, vận động nhân dân tham gia phong trào vệ sinh phòng, chống các dịch bệnh, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì bệnh tật.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, y tế khu vực Ninh Bình cùng với toàn ngành y tế tỉnh Hà Nam Ninh ra sức chăm lo xây dựng phát triển ngành, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với tinh thần tự lực, tự cường, ngành Y tế từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, từ năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập đã mở ra thời cơ mới cho hoạt động của ngành Y tế Ninh Bình. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Y tế, ngành Y tế Ninh Bình đã được đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về nhiệm vụ công tác y tế, cán bộ, công chức, viên chức và lao động ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, đưa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố. Đến cuối năm 2014, các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đều được thực hiện đạt và vượt: tỷ lệ giường bệnh/dân số đạt 25 giường bệnh kế hoạch/10.000 dân (thực kê 34/10.000 dân), 70% trạm y tế xã có bác sỹ, 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động thường xuyên, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 6,9/10.000 dân; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, an toàn thực phẩm, dân số - KHHGĐ được triển khai thực hiện đúng tiến độ, có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn, cơ bản duy trì đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra; đã chủ động, tích cực giám sát bệnh dịch, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh xảy ra, không có tử vong do bệnh dịch. 

Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã; duy trì ổn định việc thực hiện Quy trình khám bệnh, quản lý chất lượng bệnh viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế; thực hiện kiểm tra, đánh giá theo “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện”; việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử được quan tâm thực hiện, thiết lập và duy trì đường dây nóng tại Sở Y tế và tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Công tác khám, chữa bệnh được mở rộng về quy mô giường bệnh, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được triển khai áp dụng trong điều trị có hiệu quả, góp phần giảm tải lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, giảm bớt khó khăn cho người bệnh và gia đình. Từ năm 2014, ngành Y tế Ninh Bình đã có 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh được Bộ Y tế chấp thuận là bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện tuyến Trung ương đối với 5 chuyên ngành: ngoại - chấn thương, ung bướu, tim mạch, sản, nhi.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, công tác xã hội hóa y tế được quan tâm phát triển, huy động sự đóng góp của cán bộ trong ngành và của toàn xã hội. Đã tranh thủ các nguồn đầu tư từ các dự án như: Dự án ODA cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. Ngành đã chủ động, tích cực đề xuất các giải pháp về vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi, nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng của các đơn vị trực thuộc…

60 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng trau dồi về y đức, không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm việc thực hiện quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị, có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Ninh Bình trong những năm qua, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, toàn ngành đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Vinh dự và tự hào với chặng đường 60 năm học tập và làm theo lời Bác, kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế Ninh Bình nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi y đức, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, xây dựng mối đoàn kết, nhất trí, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh của người dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp tục đưa ngành Y tế Ninh Bình có những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành trong sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Năm 2015, năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ 2010- 2015, toàn ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tập trung đổi mới công tác quản lý, điều hành trong toàn ngành trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các đơn vị, quản lý bệnh viện; thực hiện quy hoạch hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng và thuận tiện nhất cho người dân; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh trên cơ sở khuyến khích các bệnh viện tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại vào khám, chữa bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, an toàn thực phẩm, dân số-KHHGĐ, làm tốt công tác phòng, nỗ hu , bảo vệ sức khỏe nhân dân...

Tiến sỹ Lê Hữu Quý - TUV, Giám đốc Sở Y tế