Trong khi ngành Y tế đang nỗ lực tuyên truyền, phổ biến tới người dân các kiến thức, phương pháp để có lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm góp phần phòng, chống bệnh tật theo phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thì phần đa người dân lại có tâm lý ngại khám bệnh, nhất là khám sức khỏe định kỳ. Người ta chỉ đến gặp bác sỹ khi thực sự có bệnh. Đây là một “trở ngại” trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cần phải được tuyên truyền mạnh mẽ để làm thay đổi thói quen, nhận thức…

Đến Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào bất kỳ ngày nào trong tuần, hầu như tại khu vực chờ của Khoa, không có một ghế trống. Hỏi chuyện bác Nguyễn Minh Giang, 66 tuổi ở phố Phúc Trung (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình) bác cho biết: Những năm trước, chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc đi khám sức khỏe định kỳ bởi lúc nào cũng thấy trong người khỏe mạnh là nghĩ mình không có bệnh tật, không việc gì phải đi khám sức khỏe cho mất thời gian. Đôi lúc, bị đau đầu, khó thở cũng chỉ chạy ra cửa hàng dược gần nhà mua thuốc về uống là xong. Thế nhưng, một lần bị ốm, nằm điều trị ở nhà mấy ngày không khỏi, người nhà mới đưa vào viện thì được chẩn đoán tôi bị bệnh tăng huyết áp và suy tim. Điều này khiến tôi rất bất ngờ bởi luôn tự tin mình hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật… Từ khi được bác sỹ chẩn đoán bệnh, để việc điều trị đạt hiệu quả, theo tư vấn của bác sỹ, mỗi tháng bác Giang đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sức khỏe 2 lần. Ngoài việc được khám, cho đơn thuốc, phác đồ điều trị, bác Giang còn được các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, sự cần thiết phải thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, có chế độ luyện tập thể dục thể thao thông qua hình thức vận động nhẹ là đi bộ hàng ngày… Do đó, đến nay sức khỏe của bác đã ổn định.

Trao đổi với bác sỹ Chu Thị Giang, Trưởng khoa Khám bệnh được biết thêm: Trung bình 1 ngày, tại Khoa Khám bệnh đã khám cho từ 500 - 600 lượt người. Những đối tượng đến khám thường xuyên, định kỳ tập trung chủ yếu ở các bệnh nhân đã mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường, viêm gan, bệnh phổi tắc nghẽn, cao huyết áp, gút… Còn lại, những trường hợp khi thấy trong người mệt mỏi, có dấu hiệu bệnh tật hoặc ốm đau, tự điều trị ở nhà không khỏi… mới vào viện cũng chiếm phần nhiều. Đối với những trường hợp đến khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ 1 năm 1 lần rất ít. Đặc biệt, rất khó để gặp được trường hợp một người đang khỏe mạnh lại đến khám sức khỏe tổng quát, nếu không muốn nói là rất hiếm. Cũng theo bác sỹ Chu Thị Giang, việc khám sức khỏe định kỳ đối với mỗi người là hết sức quan trọng và cần thiết, cần được thực hiện tối thiểu mỗi năm 1 lần. Bởi vì, thông qua việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn của nhiều căn bệnh nguy hiểm, không có triệu chứng như: bệnh lao, tim mạch, rối loạn chức năng hô hấp, ung thư phổi, dạ dày, vòm họng hay các bệnh viêm gan siêu vi… Bên cạnh đó, nếu duy trì được lịch khám sức khỏe định kỳ, mỗi lần đến khám bệnh còn được bác sỹ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe bản thân, tư vấn những nguy cơ bệnh tật thường gặp ở mỗi lứa tuổi, cung cấp kiến thức cơ bản nhất để phòng, chống bệnh tật, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, duy trì lịch luyện tập thể thao hàng ngày… Đặc biệt, với những người mắc bệnh mãn tính, việc khám sức khỏe định kỳ là hết sức cần thiết, bắt buộc phải duy trì.

Theo các bác sỹ, nếu mỗi người dân đều quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân thông qua việc duy trì lịch khám sức khỏe định kỳ còn góp phần giảm tải lượng bệnh nhân cho các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước khi phải điều trị nhiều trường hợp mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo được phát hiện muộn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.