Nhắc đến bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Phùng Đình Khánh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, nhiều người vẫn biết đến ông với vai trò là một bác sỹ chuyên về lĩnh vực y học cổ truyền. 73 năm tuổi đời, bác sỹ Phùng Đình Khánh đã có hơn nửa thế kỷ vẫn miệt mài gắn bó với công việc khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó, ông đã làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc ở cả 2 lĩnh vực: y học hiện đại và y học cổ truyền, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Xem hình

Đầu xuân mới Ất Mùi, trò chuyện với phóng viên nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, bác sỹ Phùng Đình Khánh đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện về nghiệp y mà mình đã và đang gắn bó. Ngày còn nhỏ, cậu bé Khánh đã được nghe ông bà, bố mẹ kể lại về truyền thống của gia đình, đặc biệt là người cố nội đã từng là ngự y trong triều đình Huế. Trong tâm trí của cậu bé, đó là một hình ảnh đẹp. Khi lên 12, 13 tuổi, có dịp được chứng kiến bác sỹ Phạm Văn A, một bác sỹ giỏi từ tuyến trung ương về khám bệnh cho người dân huyện Yên Mô, cậu bé Khánh đã nung nấu ý nghĩ phải học giỏi để làm bác sỹ cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Từ năm 1961, anh thanh niên Phùng Đình Khánh đã theo học tại trường Cao đẳng Y tế Nam Định về được phân công về công tác tại Bệnh xá Quỳnh Lưu (Nho Quan). Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của những người làm công tác y tế thời đó, y sỹ Phùng Đình Khánh đã tự nhủ bản thân phải nỗ lực, rèn luyện để trau dồi, học hỏi về nghiệp vụ, góp phần cùng đồng nghiệp khám và điều trị cho người dân vùng khó khăn. Do sự phân công công tác, năm 1966 ông đi học chuyên khoa Tai-mũi-họng và về Bệnh viện đa khoa huyện Yên Khánh thực hiện nhiệm vụ. Dù đảm nhiệm công việc ở lĩnh vực nào, người thầy thuốc trẻ Phùng Đình Khánh cũng luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, cố gắng học tập từ đồng nghiệp đi trước về tác phong, tinh thần, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân đến các công việc thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ… 

Nhớ về những ngày đầu tiên mới vào công tác tại ngành y tế, ông chia sẻ: Khi đó, tôi luôn tâm niệm lời dạy của bác Hồ, mỗi khi đón tiếp bệnh nhân đều có suy nghĩ coi họ như người thân trong gia đình để gần gũi, động viên, chia sẻ bớt những khó khăn, đau đớn với người bệnh. Khi đã gắn bó với nghiệp áo trắng, thầy thuốc Phùng Đình Khánh đã không ngừng học hỏi, trau dồi về chuyên môn. Ông đã đi học lớp bác sỹ đa khoa tại Đại học Y Thái Bình, rồi dành ra thời gian 3 năm đi học chuyên khoa về đông y và châm cứu. Bản thân ông đã đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí ở các đơn vị y tế trong tỉnh: Bệnh viện trưởng Bệnh viện đa khoa huyện Yên Mô, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tam Điệp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh…Ông đã đúc rút cho bản thân mình nhiều bài học kinh nghiệm quý trong đón tiếp, khám, điều trị cho người bệnh.

51 năm đảm nhiệm công việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhưng thầy thuốc Phùng Đình Khánh lại được nhiều người biết đến ở lĩnh vực y học cổ truyền. Lý giải về điều này, bác sỹ Khánh cho biết: Trải qua nhiều đơn vị công tác, được gặp gỡ và điều trị cho nhiều người bệnh, tôi nhận thấy có những căn bệnh như: thoái hóa, liệt, đau thần kinh tọa, bệnh mãn tính, bệnh ở người cao tuổi… là những căn bệnh mà việc điều trị theo y học hiện đại có kết quả không cao. Do đó, tôi đã dành ra 3 năm để học chuyên khoa đông y và châm cứu vì mong muốn được góp sức vào việc giải quyết những căn bệnh kể trên. Ba năm học chuyên khoa về đông y và châm cứu, được chứng kiến các giáo sư, nhất là người thầy, giáo sư Nguyễn Tài Thu khi triển khai thuật châm cứu trên người bệnh, tôi nhận thấy đây là phương pháp phù hợp với những căn bệnh mãn tính, bệnh về xương khớp mà mình cần phải nắm vững và thực hành cho tốt. 

Người bệnh đầu tiên được ông điều trị bằng phương pháp châm cứu là một bệnh nhân bị liệt chân, méo mồm do tai biến sau sinh nở đã khiến ông có thêm động lực để gắn bó với y học cổ truyền bằng cả tâm huyết, trách nhiệm. Từ năm 1999 khi Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được thành lập, ông và nhiều đồng nghiệp có tâm huyết giữ gìn và phát huy nền y học cổ truyền đã có cơ hội được trau dồi, phát triển các kỹ thuật khám, chữa bệnh mà ông cha ta đã để lại, hạn chế tình trạng người bệnh phải sử dụng thuốc. Là một trong những người gây dựng “nền móng” đầu tiên cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bác sỹ Phùng Đình Khánh còn tích cực hướng dẫn, dìu dắt lớp thầy thuốc trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ, làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh và ngành y tế để từng bước xây dựng Bệnh viện ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền của người dân trong tỉnh.

Nhận quyết định hưu trí từ năm 2003, nhưng với bác sỹ Phùng Đình Khánh, kể từ đó đến nay đối với ông chưa có một ngày nghỉ hưu đúng nghĩa. Ông đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, hàng ngày vẫn cần mẫn với công việc khám, chữa bệnh và các đề tài nghiên cứu khoa học. ít ai biết được, mặc dù tuổi cao, sức khỏe đã giảm sút, nhà ở thôn Yên Liêu Thượng, xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô), nhưng hàng ngày cứ 6h30 phút sáng ông lại đón xe bus để đúng 7h có mặt tại Hội Đông y tỉnh để làm việc. Với người dân quê ông, mỗi tuần ông dành ngày chủ nhật để đón tiếp, chẩn đoán, kê đơn, điều trị cho người bệnh. Chính trong quãng thời gian “toàn tâm, toàn ý” với công việc của Hội Đông y tỉnh, ông đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học ý nghĩa về “Bài thuốc kiên tí thang chữa viêm quanh khớp vai” và “Chỉ thấp lợi khớp thang” được công nhận đề tài cấp tỉnh, được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2011, 2013. 

Quá trình hơn 50 năm gắn bó với nghiệp y của ông được Đảng và Nhà nước ghi nhận xứng đáng: Năm 2002 thầy thuốc Phùng Đình Khánh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; Năm 2010 được Bộ Y tế tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông; Năm 2012 được tặng Huân chương Lao động Hạng Ba; Năm 2014 được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Điều khiến ông tâm đắc nhất là, tiếp nối truyền thống gia đình, 3 người con của ông đều theo nghiệp của bố. Trong đó, cô con gái thứ Phùng Thị Hải Vân đã chọn lĩnh vực y học cổ truyền để nối nghiệp bố. Hiện chị là bác sỹ chuyên khoa II, Trưởng khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh). Gia đình có 4 người cùng nghề, theo bác sỹ Phùng Đình Khánh chính là không khí cởi mở, sôi nổi mỗi khi bố con gặp nhau, mỗi khi đến bữa ăn…mọi người cùng trao đổi, trò chuyện về công việc rồi các con ông lại có dịp để rút ra những bài học, những kinh nghiệm quý trong công việc chuyên môn…