Tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế đang được ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội quan tâm. Ninh Bình cũng là một trong những địa phương có số chi quỹ bảo hiểm y tế cao vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra, đứng thứ 13/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Để giảm chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế Ngành Y tế Ninh Bình cần có nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo công tác quản lý người bệnh KCB-BHYT.
Xem hình

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, tính đến tháng 5 năm 2019, có 878.450 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 22.770 người (2,66 %) so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ bao phủ đạt 89,58% dân số. Số lượt khám chữa bệnh tại tỉnh ngày càng tăng cao. Chi khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh là 801.138 triệu đồng, tăng 72.136 triệu đồng  (tăng 10%) so với năm 2017. Số chi KCB BHYT đa tuyến đi ngoại tỉnh là 304.030 triệu đồng, vượt  32.560 triệu đồng so với kinh phí đa tuyến đi dự kiến 271.470 triệu đồng (tương ứng tỷ lệ 12%). Ninh Bình là địa phương xếp thứ 13/63 tỉnh, thành vượt chi quỹ BHYT so với dự toán của Chính phủ giao.


nỗ hu

Những năm qua, thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phát triển đối tượng; ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT… nhằm không ngừng mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân, khuyến khích người dân tự nguyện tham gia BHYT.     

Các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn cơ bản đã được xây dựng kiên cố, có đủ các trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh. Thực hiện liên thông dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội và thông tuyến mang lại nhiều lợi ích trong khám, chẩn đoán, kê đơn và điều trị kịp thời.

 Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện đầu ngành của tỉnh, hiện bệnh viện đang thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho 18-19 nghìn thẻ BHYT. Từ năm 2018, Bệnh viện được giao Quỹ KCB BHYT theo Nghị định số 146/2008/NĐ-CP của Chính phủ về mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng cho người dân. Bệnh viện đã chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến. Bình quân mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát triển từ 10-15 kỹ thuật mới. Hiện đã phát triển 75 kỹ thuật mới. Tỷ lệ chuyển tuyến giảm còn 2%, phấn đấu năm 2019 giảm xuống thấp hơn nữa. Theo đó, số lượt khám chữa bệnh 5 tháng đầu năm là 93.039 lượt (trong đó 73.083 lượt ngoại trú và 19.956 lượt nội trú) tăng 13.746 lượt so với cùng kỳ năm 2018 (tương ứng 117%), chi KCB BHYT 188.481 triệu đồng tăng 31.705 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018 (tương ứng 120%).

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, qua theo dõi trên Hệ thống giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT cho thấy một số cơ sở y tế như bệnh viện như Sản - Nhi, Phổi có số chi khám chữa bệnh lớn hơn cùng kỳ năm trước, trong đó bình quân của các nhóm dịch vụ kỹ thuật đang mức cao hơn bình quân chung toàn quốc. Số lượt khám chữa bệnh tại tỉnh là 734.353 lượt, tăng 90.029. Số chi khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh là 389.444 triệu đồng, tăng 46.817 triệu đồng (114%) so với cùng kỳ năm 2018.

Để thực hiện việc giảm chi KCB-BHYT, Sở Y tế  tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ chi phí KCB-BHYT, phân tích số liệu, đánh giá tác động của các yếu tố cấu thành nguyên nhân gia tăng chi phí, đặc biệt là các yếu tố có thể gây gia tăng chi phí cao như: ngày giường điều trị, chỉ định dịch vụ kỹ thuật... có giải pháp thực hiện giảm chi, không để xảy ra tình trạng vượt dự toán được giao. Tổ chức khám sàng lọc tốt tại Khoa Khám bệnh, thực hiện chuyển tuyến điều trị theo đúng quy định tại Thông tư số 14/2014TT-BYT, ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khi tiếp nhận người bệnh đến khám, điều trị cần xem xét kỹ tình trạng bệnh để có thái độ xử trí phù hợp. Nếu tình trạng bệnh nhẹ, chưa cần nhập viện điều trị nội trú, cần giải thích để chuyển người bệnh về tuyến dưới điều trị hoặc cho người bệnh điều trị ngoại trú hoặc điều trị nội trú ban ngày. Tình trạng người bệnh nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, chuyển người bệnh lên tuyến trên để điều trị.

Với phương châm lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo để đánh giá hiệu quả công tác khám chữa bệnh Sở Y tế thường xuyên kiểm tra chất lượng bệnh viện đánh giá các chỉ tiêu kế hoạch được giao: Tổng số lượt khám chữa bệnh, số bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú, công suất sử dụng giường bệnh. Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị triển khai các giải pháp giảm chi phí KCB-BHYT; Phối hợp liên ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong KCB-BHYT. Thực hiện liên thông, trích chuyển dữ liệu với cơ quan bảo hiểm xã hội đúng quy định, đảm bảo công tác quản lý người bệnh KCB-BHYT, việc giám định và thanh quyết toán chi phí KCB-BHYT.

Tác giả: Lê Lành