Với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 diễn ra từ 15/4 đến 15/5/2017 với hai hoạt động chính là: Tăng cường công tác truyền thông và đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đạt được trong Tháng hành động đã góp phần nâng cao ý thức cho người sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Xem hình
Đoàn liên ngành kiểm tra công tác vệ sinh ATTP tại nhà hàng ở thành phố Tam Điệp.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, “Tháng hành động vì ATTP” năm 2017 với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” là điểm nhấn trong năm, đã tạo được một chiến dịch tuyên truyền ATTP rộng khắp trên địa bàn tỉnh với đa dạng loại hình tuyên truyền: Phát thông điệp và các tin, bài tuyên truyền về ATTP trên Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Đài phát thanh cấp huyện, cấp xã; đưa tin, bài tuyên truyền trên Báo Ninh Bình, trên các website của ngành; treo băng zôn tại các trục đường lớn, khu trung tâm, các chợ nơi tập trung đông người; tổ chức đội thanh niên xung kích tuyên truyền lưu động bảo đảm ATTP trên các tuyến đường tại các huyện, thành phố; thực hiện tuyên truyền trực tiếp trong quá trình thanh, kiểm tra tại cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm… Đã có trên 220 buổi tập huấn, hội thảo với gần 5 nghìn lượt người tham dự; 1.693 buổi nói chuyện cho 125 nghìn người dự nghe; trên 500 bài viết, bài phát thanh, phóng sự truyền hình, chuyên mục với hàng nghìn lượt phát sóng; hàng chục nghìn băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, áp phích, băng đĩa hình… được ngành Nông nghiệp, Y tế phối hợp tuyên truyền hiệu quả nhân Tháng hành động.

          Nội dung truyền thông tập trung vào việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rượu, rau, thịt, thủy sản an toàn: Nói không với sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, thủy sản tươi sống; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu; Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Công tác thông tin, tuyên truyền đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống. Từ đó nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm.

          Cùng với công tác tuyên truyền, hoạt động thanh, kiểm tra đã được các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra trong Tháng hành động. Các đoàn đã tiến hành kiểm tra về quản lý Nhà nước đối với Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện/thành phố; kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống và rượu trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời, Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã cũng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm trên địa bàn quản lý. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các cơ sở thực hiện tương đối tốt về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy vẫn còn một số loại thực phẩm chưa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (không có hóa đơn hay hợp đồng mua bán để truy xuất nguồn gốc) như rau, quả...; thực phẩm hết hạn sử dụng vẫn được bày bán hoặc bảo quản không đúng quy trình. Trong Tháng hành động, các cấp, các ngành đã thành lập 239 đoàn kiểm tra; trong đó có 133 đoàn kiểm tra liên ngành và 106 đoàn kiểm tra chuyên ngành tỉnh, huyện, xã. Các đoàn tiến hành kiểm tra 950 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể..., phát hiện xử lý 158 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 78 cơ sở với số tiền trên 153 triệu đồng, có 32 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

          Riêng đối với vấn đề kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ngộ độc do lạm dụng rượu và các chế phẩm ngâm rượu; tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất rượu, làng nghề nấu rượu thủ công; đặc biệt là công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần ổn định hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc do rượu, bảo vệ sức khỏe người dân trong tỉnh. Qua kiểm tra tại các khách sạn, nhà hàng, quán ăn và cơ sở nấu rượu cho thấy, trên địa bàn không có hiện tượng pha cồn công nghiệp có nồng độ methanol trong rượu để sử dụng hoặc bán cho người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay tỉnh ta cũng không xảy ra trường hợp nào ngộ độc rượu do methanol.

          Cũng theo đồng chí Giám đốc Chi cục ATVSTP tỉnh, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong Tháng hành động ATTP năm 2017, nhưng công tác ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn chưa thể giải quyết. Đó là hoạt động kiểm soát ở khâu sản xuất, nuôi trồng, sơ chế ban đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm hầu như triển khai còn hạn chế; việc kiểm soát chất lượng nguồn nước sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi chưa được thực hiện. Việc quy hoạch vùng trồng rau an toàn đã được triển khai, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ; chưa đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định cho người trồng trọt. Cùng với đó, việc kiểm soát ATTP trong giết mổ, lưu thông gia súc, gia cầm, các chợ và các làng nghề có triển khai nhưng chưa được thường xuyên, chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi khi chưa chặt chẽ, chưa thống nhất; một số chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) chưa thực sự quan tâm đến công tác ATTP, còn giao phó hoàn toàn cho ngành Y tế. Vấn đề xử lý vi phạm về ATTP chưa nghiêm, đôi khi còn mang tính nể nang. Đặc biệt, lực lượng cán bộ làm công tác ATTP ở các ngành, các cấp còn thiếu. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác vệ sinh ATTP chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thanh tra chuyên ngành về ATTP còn mỏng. Nguồn kinh phí thực hiện công tác ATTP còn ít và cấp chậm, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các hoạt động.

          Trước những khó khăn, bất cập đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề ATTP, trong đó có việc tăng nguồn kinh phí cho hoạt động về ATTP ở cả 3 ngành (Y tế, Nông nghiệp và Công thương) để tăng cường công tác thông tin truyền thông, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Có quy định chặt chẽ hơn việc quản lý về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn. Xây dựng đề án nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP; tổ chức các hoạt động đảm bảo ATTP tại các làng nghề. Tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap và hình thành hệ thống phân phối tiêu dùng thực phẩm an toàn, kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn. Cùng với đó chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn, trong đó đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm ATTP. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm túc đối với các cơ sở vi phạm.