Sự việc 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo phản ứng phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong đó 8 người đã tử vong, 10 người phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị vừa xảy ra được coi là tai biến y khoa chạy thận nghiêm trọng nhất của lịch sử ngành y Việt Nam. Qua sự việc, quy trình và những lưu ý quan trọng trong quá trình chạy thận cho bệnh nhân đang được các cơ sở y tế đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo an toàn cho người đang điều trị thận mãn tính.
Xem hình
Người bệnh chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông Phạm Văn Bắc là bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gần 5 năm nay. Mỗi tuần 3 lần, ông Bắc chạy xe từ xã Kim Định (huyện Kim Sơn) về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiến hành lọc máu. Sau sự cố gây tử vong đối với 8 bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Bắc không khỏi lo lắng. Ông mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân tử vong để các bệnh viện có bệnh nhân điều trị bệnh thận mãn tính càng phải thực hiện nghiêm quy trình chạy thận nhân tạo, từ đó nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

          Bà Nguyễn Thị Ngân, thôn Liên Huy, xã Gia Thịnh (Gia Viễn) là người nhà của một bệnh nhân chạy thận nhân tạo gần 10 năm nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà Ngân chia sẻ, sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa qua cũng khiến ông bà đôi chút lo lắng. Tuy nhiên, với trang thiết bị được đầu tư ngày càng hiện đại của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sự tận tình trong chăm sóc và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là sức khỏe sau chạy thận của chồng nhiều năm qua luôn ổn định khiến bà Ngân rất yên tâm điều trị bệnh tại Khoa Thận nhân tạo-Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

          Được thành lập từ năm 2008, hiện nay Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị thường xuyên cho 210 bệnh nhân. Trung bình mỗi tháng Khoa chạy khoảng 2.300 ca, bình quân mỗi ngày chạy 3 ca cho 90-100 bệnh nhân, nhưng 2 ngày thứ 2 và thứ 6 chạy 4 ca, số bệnh nhân lên tới 120 người. Quy trình chạy thận được hiểu là quá trình lọc bỏ chất thải khỏi máu bệnh nhân thông qua thiết bị thẩm tách, sau đó bơm máu sạch trở lại cơ thể, áp dụng với các bệnh nhân có bệnh về thận. Quá trình chạy thận thường được thực hiện theo 4 bước: Đầu tiên, nhân viên y tế sẽ chuẩn bị trang thiết bị máy móc cần thiết. Sau đó tiến hành lắp đường máu và đường dịch cho bệnh nhân. Tiếp đó, bệnh nhân bắt đầu lọc máu. Y tá sẽ theo dõi, ghi chép từng chức năng sống của bệnh nhân về mạch, huyết áp, đường thở. Quá trình chạy thận nhân tạo thường diễn ra từ 3,5 – 4 giờ mới kết thúc.

          Bác sỹ CK I Vũ Văn Huấn, Trưởng Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước sự việc đáng tiếc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa Thận nhân tạo cũng đã kiểm tra, rà soát chặt chẽ lại quy trình chạy thận nhân tạo, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động.

Trong quá trình chạy thận nhân tạo, đường máu và đường dịch được chia riêng. Đường máu sẽ có quả lọc. Để pha dịch sử dụng trong quá trình chạy thận, phải sử dụng loại nước đặc biệt, nước tinh khiết RO.

Hiện tại Khoa Thận nhân tạo, hệ thống sản xuất nước RO - là 1 trong những thành phần quan trọng để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân chạy thận được tổ chức khép kín, tuần hoàn. Từ hệ thống này, nước RO sẽ được bơm vào téc và đẩy vào máy để tiến hành chạy thận. Cùng với đó, hệ thống hơn 30 máy chạy thận hiện đại của CHLB Đức là những máy móc hiện đại sẽ giúp người bệnh hoàn toàn yên tâm khi điều trị bệnh tại đây.

          Được biết, trước sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Hòa Bình vừa qua, ngày 2/6, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành đề nghị chấn chỉnh việc chạy thận nhân tạo, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo. Công văn nêu rõ, chạy thận nhân tạo chu kỳ (lọc máu chu kỳ) tại Việt Nam đã triển khai từ rất nhiều năm nay, có hàng nghìn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện an toàn, hiệu quả.

          Để phòng tránh các sự việc tương tự, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014, Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận ban hành kèm theo Quyết định số 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn. Các đơn vị rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.